Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hơn 1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề

Cập nhật: 17-07-2013 | 00:00:00

(BDO) Ngày 17-7, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo đã chủ trì hội nghị.

Trong 3 năm (2010 – 2012), cả nước đã có 1.088.393 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề, đạt 77,74% kế hoạch; trong đó có 480.897 người được học nghề nông nghiệp (chiếm 44,2%) và 607.496 người được học nghề phi nông nghiệp (chiếm 55,8%). Kết quả đã có 1.042.059 người đã học xong, trong đó có 822.460 người tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 78,9%. Tổng số kinh phí hỗ trợ dạy nghề đã sử dụng là 1.643.543 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 1.060.232 triệu đồng, ngân sách địa phương là 509.461 triệu đồng, còn lại là kinh phí các chương trình dự án và các nguồn khác. Mục tiêu trong năm 2013 sẽ có khoảng 600.000 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề.

Sau 3 năm thực hiện đề án, nhận thức của một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn có chuyển biến tích cực, số người đăng ký học nghề tăng hàng năm; đã đúc rút, hình thành được các mô hình dạy nghề có hiệu quả và triển khai nhân rộng; đã thu hút được sự quan tâm, tham gia thực hiện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, các nguồn lực trong việc tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án cũng gặp một số tồn tại, yếu kém như: chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; việc triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch nông thôn mới; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức với đề án; cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ…

Tại Bình Dương, sau 3 năm thực hiện đề án đã đào tạo được 4.159 lao động nông thôn, đạt 64% kế hoạch; trong đó có 1.815 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và 1.521 người tự tạo việc làm. Theo kế hoạch, trong năm 2013, Bình Dương sẽ thực hiện đào tạo nghề cho 1.415 lao động nông thôn với 14 nghề theo quy định.

Cao Sơn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên