Hôm nay, dân số thế giới 7 tỷ người: Những cơ hội và thách thức với Việt Nam

Cập nhật: 31-10-2011 | 00:00:00

Việt Nam là một nước đông dân và đang trong quá trình hội nhập, do vậy sự kiện dân số thế giới chạm ngưỡng 7 tỷ người vào ngày 31-10 sẽ tạo những cơ hội cũng như thách thức lớn. Đây là nhận định của ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại buổi họp báo về báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2011 vừa tổ chức mới đây ở Hà Nội. 

Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới với 1,2 tỷ người. Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất hành tinh với 1,6 tỷ người năm 2030

UNFPA cho biết trước cột mốc này, hành động hiện nay của con người sẽ quyết định thế giới sẽ có một tương lai lành mạnh, bền vững và thịnh vượng hay chỉ là một cột mốc của sự bất bình đẳng, suy thoái môi trường và kinh tế. Theo UNFPA, trong 7 tỷ người, 1,8 tỷ là những người trong độ tuổi từ 10 và 24. Họ giữ chìa khóa của tương lai, tạo dựng nên thế giới bằng sức sáng tạo và năng lực đổi mới. Như ở Việt Nam, thời kỳ dân số vàng tiếp tục duy trì, tạo cơ hội tận dụng nguồn nhân lực dồi dào bằng việc bảo đảm mọi thanh niên được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giáo dục và đào tạo. Điều này giúp họ chuẩn bị tốt hơn để có thể đóng góp đáng kể tới tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, cơ hội để nhận ra tiềm năng to lớn của giới trẻ phải được nắm bắt ngay từ bây giờ. Theo Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Babatunde Osotimehin, đầu tư vào sức khỏe và giáo dục cho lớp trẻ sẽ mang lại ích lợi to lớn cho phát triển kinh tế và xã hội tương lai. Báo cáo đánh giá, dân số thế giới đạt tới con số kỷ lục là do con người sống lâu hơn và nhiều trẻ em hơn sống sót trên thế giới; nhưng không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ thành tựu của cuộc sống chất lượng cao hơn. Sự khác biệt lớn vẫn tồn tại giữa và trong các nước. Sự bất bình đẳng về quyền và cơ hội cũng tồn tại giữa nam giới và phụ nữ, giữa trẻ em gái và trẻ em trai; vạch ra con đường phát triển để thúc đẩy bình đẳng là quan trọng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, Liên hiệp quốc cảnh báo, dân số tăng nhanh luôn mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, nhất là ở các nước nghèo. Theo UNFPA, đó cũng là một thách thức. Với tốc độ tăng dân số hiện tại, mỗi năm dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 78 triệu người. Mức tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và tạo ra những áp lực ngày càng lớn cho hành tinh chúng ta. Từ đó, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ nghèo hiện nay đã giảm xuống dưới 14% nhưng vấn đề giảm nghèo giữa các nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các nhóm dân tộc thiểu số bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái lại giảm không đáng kể. Ông Bruce Campbell nhấn mạnh, giảm bất bình đẳng và cải thiện cuộc sống của người dân hiện nay cũng như các thế hệ tương lai là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2011 của UNFPA chỉ ra một số khuynh hướng nổi bật như con người hiện nay sống lâu hơn. Tuổi thọ trung bình hiện nay là 68 so với 48 vào năm 1950. Tuy nhiên, hiện nay với 893 triệu người từ 60 tuổi trở lên thì vào khoảng giữa thế kỷ này, con số đó sẽ tăng lên gấp 3 lần, khoảng 2,4 tỷ người. Nhóm dân số trẻ cũng nhiều hơn trước, cùng với đó là khoảng một nửa dân số ở đô thị và chỉ trong vòng 35 năm tới, con số này sẽ tăng thêm 50% (khoảng 2/3 nhân loại sẽ sống ở khu vực đô thị).

Nhân sự kiện dân số thế giới 7 tỷ người, Liên hiệp quốc đã ra lời kêu gọi hành động giảm bất bình đẳng, nâng cao điều kiện sống cho những người dân hiện tại và cho những thế hệ tương lai. Việc làm này đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới và sự hợp tác trên toàn cầu, trong khu vực, tại mỗi quốc gia và ngay tại cộng đồng mà trước đây chưa từng hiện hữu.

M.H (Tổng hợp từ Vietnam +, Chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên