Hơn 20 năm “cứu hộ” bên dòng sông Bé

Cập nhật: 25-12-2020 | 09:35:09

Hơn 20 năm nay, anh Lê Văn Thì (44 tuổi, ngụ ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) đã vớt hàng chục thi thể người xấu số trôi trên sông Bé. Đối với các trường hợp không có thân nhân, anh Thì còn bỏ tiền túi mai táng, xây mộ và làm giỗ hàng năm.


Anh Thì cho biết đã vớt rất nhiều thi thể trên sông Bé, đoạn qua ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập

Nên duyên với… người chết

Nhiều lần đi tác nghiệp ở khu vực xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) và xã Tam Lập (huyện Phú Giáo), chúng tôi được nghe người dân kể nhiều về ngư dân Lê Văn Thì từng nhiều lần vớt thi thể người trôi trên sông Bé. Từ sự giới thiệu của người quen, chúng tôi men theo con đường đất giữa bạt ngàn rừng cao su tìm đến nhà anh Thì. Trước căn nhà cấp 4, chúng tôi gặp người đàn ông tuổi trung niên, dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, khuôn mặt lấm lem dầu nhớt đang cặm cụi sửa chữa máy bơm nước. Anh Thì tạm gác công việc, pha trà mời khách.

Hớp ly trà nóng, anh Thì nhìn xa xăm và nhớ lại đầu những năm 2000, anh thường cùng bạn trong xóm chăn trâu dọc bờ sông Bé và thi tài bơi lội với nhau. Nhờ những lần so tài này mà khả năng bơi lội của anh ngày càng cải thiện đáng kể, khiến nhiều bạn bè trong xóm phải kiêng nể mỗi khi muốn “thách đấu” với anh. Năm 16 tuổi, anh Thì đang nghỉ trưa ở nhà thì giật mình bởi tiếng gọi thất thanh của hàng xóm nhờ cứu bé gái đang chới với giữa dòng nước xiết. Khi anh Thì đến nơi thì đã muộn. Bé gái đã bị dòng nước đục màu phù sa cuốn mất tích. Nhận định bé gái chưa bị nước cuốn đi xa, anh Thì hít một hơi sâu nhảy xuống sông lặn tìm nạn nhân. Sau nhiều giờ ngụp lặn, anh Thì đã vớt được bé gái đoản mệnh giao cho gia đình.

Nói về lần đầu tiên lặn tìm người mất tích dưới lòng sông, anh Thì tâm sự: “Lúc đó tôi không nghĩ ngợi nhiều lắm, chỉ muốn nhanh chóng đưa bé gái lên bờ thật nhanh. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng tôi không thể ngó lơ được, nếu mình không làm thì ai làm nữa”. Kể từ đó, cái “nghiệp” “cứu hộ” trên sông bén duyên với anh đến bây giờ. Nói thêm về cái duyên với công việc này, anh Thì cho biết: “Thấy nhiều người trong xóm làm nghề đánh bắt cá, tôi theo chân họ học nghề để có thêm bữa cơm ngon cho gia đình và kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Ai ngờ công việc kiếm cơm trên sông Bé lại khiến tôi bén duyên với “nghiệp” vớt thi thể người trôi sông từ khi nào không hay”.

Hơn 20 năm qua, anh Lê Văn Thì nhẩm tính đã vớt khoảng 30 thi thể người trên sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa đến xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên). Anh Thì cho hay làm công việc này chỉ để phúc cho đời. Đôi lần anh muốn gác lại công việc này nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của những gia đình có người thân mất tích trên sông Bé và nghĩ tới sự lạnh lẽo, đau đớn của người xấu số thì anh lại tiếp tục với “cái nghiệp” vớt thi thể người chết dưới sông.

Nhiều năm qua, anh Thì đã vớt hàng chục thi thể người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mỗi trường hợp đều để lại cho anh những ám ảnh, đau xót khó quên. Lần gần đây nhất, một nam thanh niên hơn 30 tuổi trong ấp Đuôi Chuột đi câu cá trên sông Bé (đoạn qua xã Tam Lập) rơi xuống dòng nước xoáy rồi mất tích ở vịnh Cây Dâu. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã lặn tìm trong nhiều giờ nhưng vẫn không tìm được nạn nhân xấu số này. Nhiều ngư dân đánh bắt cá trên sông Bé đều biết đến lai lịch “chết chóc” của vịnh Cây Dâu bởi dòng nước xoáy mạnh, sâu hơn 40m nên không dám nhận lời hỗ trợ tìm nạn nhân. Vậy mà anh Thì dựa vào kinh nghiệm của bản thân lại vớt được nạn nhân khiến nhiều người phải nể phục.

Tiếng lành đồn xa, một số gia đình có người thân nhảy cầu sông Bé tự tử cũng tìm đến anh Thì nhờ giúp. Dù công việc có bận rộn, anh Thì cũng tạm gác lại và đi ngay. Cách đây không lâu, một gia đình từ tỉnh Bình Phước tìm đến nhà anh nhờ hỗ trợ tìm người thân nhảy cầu sông Bé. Đang vào mùa nước cạn, mặt sông Bé phủ kín lục bình nên việc tìm nạn nhân như “mò kim đáy sông”. Lúc này, anh Thì cùng nhóm bạn dùng nhiều sà lan tự chế chắn ngang sông Bé để “đón lõng” thi thể nạn nhân trôi theo dòng nước. Sau một ngày, anh Thì cùng sự hỗ trợ của người dân đã vớt được nạn nhân bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Xong việc, gia đình nạn nhân gửi tiền hậu tạ nhưng anh Thì không lấy, bởi việc đó là làm phúc. Nhưng họ biếu gói thuốc, ký trà hay lon bia thì anh không từ chối. Dù vậy, anh Thì vẫn mong muốn không bao giờ chứng kiến nỗi đau của những gia đình có người thân gieo mình xuống sông Bé vì sự sống rất thiêng liêng và còn biết bao điều tốt đẹp phía trước.

Xây mộ cho nạn nhân xấu số

Từ nhỏ đã mưu sinh trên sông Bé, anh Thì rất hiểu rõ con nước sông Bé. Anh biết đoạn nào nước nông, nước “dữ” để mà tránh khi hành nghề đánh bắt cá. “Nhìn mặt nước sông Bé chảy êm đềm vậy nhưng phía dưới nước chảy rất “hỗn”. Nhiều người từ vùng miền Tây sông nước đến đây mưu sinh bằng nghề giăng lưới, có người vì một phút ngẫu hứng tắm sông đã bị con nước dữ cướp đi tính mạng”, anh Thì cho biết.

Theo anh Thì, có lẽ nhờ hiểu tính “ương ngạnh” của sông Bé nên việc vớt thi thể của anh gặp nhiều thuận lợi. Đa số các thi thể được vớt lên đều bị phân hủy mạnh, các bộ phận không còn nguyên vẹn, người nhà chỉ có thể nhận dạng qua quần áo hoặc giấy tờ tùy thân mang theo. Sau khi lực lượng chức năng hoàn thành công tác khám nghiệm và thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đã tìm được người nhà cho nhiều thi thể. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không xác định được lai lịch và chưa có người nhà đến đưa về. Anh Thì nghĩ: “Khi sống, tôi không biết họ thế nào nhưng chết rồi thì ít ra cũng phải được chôn cất đàng hoàng. Nếu không ai nhận thì tôi đưa về mai táng, khi nào có người nhà đến thì tôi bàn giao lại”.

Từ suy nghĩ trên, anh Thì dùng tiền túi cùng với sự hỗ trợ của cơ sở mai táng và một số người dân trong xóm đã tổ chức chôn cất và xây mộ tươm tất cho 3 người phụ nữ chưa xác định được nhân thân trong nghĩa trang của xã. Từ đó vào tháng 3 âm lịch hàng năm, anh Thì cùng một số bạn bè trong xóm đều làm mâm cơm giỗ cho 3 người phụ nữ xấu số trên. Vào ngày cận Tết Nguyên đán, anh Thì dọn dẹp phần mộ và chuẩn bị bữa cơm cúng cho họ như người thân trong gia đình đã khuất.

Đã qua bao nhiêu mùa cây cao su thay lá, anh Thì luôn mong ngóng sớm có người thân đến đưa 3 người phụ nữ trên về với “nơi chôn nhau cắt rốn”. Anh cũng mong rằng không còn phải vớt thêm nạn nhân xấu số nào trên dòng sông Bé nữa.

Nói về anh Lê Văn Thì, bà Trần Thị Thanh Thảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Điều hành ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập, cho biết: “Trong ấp, gia đình anh Lê Văn Thì sống chan hòa với bà con lối xóm. Mặc dù cuộc sống gia đình anh Thì còn nhiều khó khăn nhưng anh sẵn sàng giúp đỡ người khác. Đặc biệt trong nhiều năm qua, anh Thì đã hỗ trợ cơ quan chức năng và nhiều gia đình tìm vớt thi thể người trên sông Bé. Có thi thể không có thân nhân, anh Thì còn tổ chức mai táng, xây mộ. Chúng tôi đánh giá rất cao những nghĩa cử cao đẹp của anh Thì”.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên