Hơn 5.000 container phế liệu chưa thể thông quan: Kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Cập nhật: 17-01-2019 | 06:03:16

Vướng nhiều thủ tục, quy định mới trong việc kiểm tra thông quan đối với mặt hàng phế liệu nhập vào Việt Nam, trong khi nguồn nhân lực của các cơ quan chức năng không đủ khiến việc giải quyết bị chậm trễ nên nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy tái chế tại Bình Dương “cầu cứu” UBND tỉnh do không có nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có các kiến nghị đến bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

 Hàng ngàn container phế liệu chưa thể thông quan

Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để đưa các loại chất thải, rác thải nguy hại vào Việt Nam, việc các bộ, ngành liên quan đưa ra các quy định đối với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phế liệu nhập khẩu là một tín hiệu đáng mừng, nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mới vẫn tồn tại các khó khăn, vướng mắc đối với công tác hậu kiểm, thông quan khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp chuyên tái chế giấy đang gặp nhiều khó khăn trong việc không đủ nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất do việc chậm thông quan do thiếu nguồn nhân lực để kiểm hàng ngàn container tại các cảng nằm ngoài tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp có đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có 11 doanh nghiệp sử dụng phế liệu giấy, 2 doanh nghiệp sử dụng kim loại màu. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp nhập hơn 4,6 triệu tấn, tương đương 7.200 tấn, khoảng 180 - 350 container mỗi ngày cập cảng. Tuy nhiên, cao điểm số lượng container hàng phế liệu nhập về mỗi ngày trung bình khoảng 600 container để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Với nhu cầu nêu trên, thời gian qua ngành chức năng hải quan và tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh đã tích cực trong việc kiểm tra, thông quan nhằm đáp ứng nhu cầu kịp thời nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp.

Nhiều container phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp chưa thể thông quan do vướng thủ tục, quy định mới

Tuy nhiên qua thực tế, việc triển khai Thông tư số 08/2018/ TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018 của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về ban hành quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã làm phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cho cả doanh nghiệp sản xuất và ngành chức năng liên quan.

Trước những khó khăn trong việc triển khai các quy định mới, vừa qua UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Bộ TN-MT kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng đối với quy trình kiểm tra, giám định đối với phế liệu nhập khẩu theo quy định của Bộ TN-MT. Theo đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Cụ thể, một cán bộ thuộc Sở TN-MT mỗi ngày phải giám định bằng mắt thường khoảng 20 container. Trường hợp nếu nhập hàng thuộc địa bàn TP.Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu thì số lượng container sẽ ít hơn do cần thời gian di chuyển từ Bình Dương đến các cảng.

Hiện nay, theo Sở TN-MT, nếu sử dụng 100% nhân lực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường thì cũng chỉ tạm thời giải quyết nhu cầu thông quan container, đáp ứng một phần nguồn nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Sở TN-MT hiện nay chỉ có 4 biên chế được phân công quản lý chất thải rắn, nếu huy động toàn bộ biên chế cho việc quản lý phế liệu thì chỉ kiểm tra, giám định được khoảng 20% lượng hàng hóa nhập về của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chưa kể nếu việc nhập khẩu phế liệu là hàng rời thì thời gian kiểm tra, giám định sẽ kéo dài hơn và cần nhân sự nhiều hơn do đặc thù hàng hóa nhập khẩu kéo dài nhiều ngày kể cả ban đêm để kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu, trong khi đó đây là lĩnh vực mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm nên làm tăng thời gian kiểm tra, dẫn đến số lượng hàng hóa được kiểm tra, giám định giảm xuống, không đạt yêu cầu để đáp ứng kịp thời nguồn nguyên liệu phục vụ quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Tích cực kiến nghị các giải pháp

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Cục Hải quan Bình Dương, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tồn đọng hơn 5.000 container (chủ yếu giấy phế liệu) dùng để tái chế. Trong đó, một số doanh nghiệp giấy như Chánh Dương (TX.Bến Cát) có khoảng 3.500 container nguyên liệu giấy đang tồn đọng tại các cảng ngoài tỉnh chưa thể thông quan. Theo Cục Hải quan tỉnh, do hầu hết các container hàng hóa đều nhập về các cảng ở TP.Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa- Vũng Tàu nên việc áp dụng thông tư của Bộ TN-MT trong việc kiểm tra, giám định gặp nhiều khó khăn khiến việc giải quyết nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp rất chậm, không thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, hiện nay do chưa có quy chế phối hợp giữa ngành hải quan và TN-MT nhằm thống nhất về quy định phân luồng hàng hóa theo quy định của hải quan và quy trình, trình tự phối hợp giữa hai bên trong kiểm tra, giám sát chất lượng phế liệu, điều này đã làm gia tăng thời gian cho việc kiểm tra, giám định tại hiện trường. Bên cạnh đó, do chưa có quy định cụ thể về quy trình, thời gian thực hiện việc kiểm tra giám định làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp do thời gian lưu bãi tăng lên; đồng thời doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, việc đình trệ sản xuất giấy công nghiệp sẽ kéo theo ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Trước thực tế trên, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi UBND tỉnh nêu kiến nghị Tổng cục Hải quan vẫn tiếp tục quản lý phế liệu nhập khẩu như trước đây và Sở TN-MT sẽ thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường nhân lực kiểm tra hàng hóa, có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên kiểm hóa khi làm việc tăng giờ trong dịp trước Tết Nguyên đán 2019 nhằm hỗ trợ việc kiểm tra hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất.

 UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị, đề xuất hai phương án với Bộ TN-MT để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đó là cho phép hải quan vẫn tiếp tục quản lý phế liệu nhập khẩu như trước đây và Sở TN-MT sẽ thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Phương án kế tiếp là nếu Bộ TN-MT tiếp tục giữ quy định hiện hành thì cần ban hành bổ sung một số quy định để bảo đảm triển khai hiệu quả: Đó là kiến nghị Bộ Nội vụ để ban hành quy định về bổ sung biên chế phục vụ quản lý phế liệu; hướng dẫn về kinh phí, kiểm tra, phân tích mẫu trong công tác kiểm tra chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu; quy chế phối hợp giữa hải quan và ngành TN-MT; quy trình, thời gian thực hiện việc kiểm tra giám định… Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý phế liệu.

 

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên