Hợp tác liên kết phát triển thành phố thông minh và đổi mới đô thị

Cập nhật: 09-08-2018 | 08:13:57

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành phố thông minh (TPTM) cần phải đưa các chiến lược hành động trong bối cảnh toàn cầu thông qua sự hợp tác với các thành phố trong việc chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thảo luận sẽ thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các thành phố, các tổ chức nhằm phát triển bền vững và đổi mới dựa trên khoa học - công nghệ sẽ góp phần xây dựng TPTM. Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai tổ chức nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc tế nhằm đón nhận những ý tưởng sáng tạo, tầm nhìn đột phá từ các tập đoàn đa quốc gia, các công ty khởi nghiệp, từ đó góp phần xây dựng TPTM.

Trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA) là động lực để xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác tổ chức các sự kiện của WTA tại Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG AN 

Thúc đẩy hợp tác liên kết

TPTM là nền tảng cho các công nghệ mới trong tương lai, một giải pháp để cải thiện các vấn đề đô thị khác nhau và chiến lược phát triển đô thị bền vững bằng cách tăng tính cạnh tranh của thành phố và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để thực hiện TPTM, Bình Dương cần phải đưa những chiến lược hành động trong bối cảnh toàn cầu thông qua sự hợp tác với các thành phố trong việc chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin. Đối với vấn đề này, điều quan trọng là Bình Dương tìm hiểu các thành phố và các bên liên quan để chia sẻ kiến thức và chính sách về phát triển TPTM và đổi mới đô thị.

Trong những năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối bài bản, đồng bộ đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Dương đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lưu chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, kết nối vùng mà còn tạo lập môi trường sống, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho người dân, lao động ngoài tỉnh ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với tỉnh Bình Dương. Trong tương lai, nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn chế so với nhu cầu phát triển, do đó việc quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng thông minh nhằm tối ưu hóa những cái hiện có gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cũng như nghiên cứu ứng dụng các mô hình đầu tư hạ tầng thông minh trên thế giới là hết sức cần thiết để xây dựng TPTM Bình Dương.

Mới đây, UBND tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC tổ chức hội thảo báo cáo kiến trúc và trình diễn giải pháp xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh (ĐTTM). Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và đơn vị điều phối - Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã giới thiệu các giải pháp xây dựng ĐTTM đã được Việt hóa và demo (trình diễn). Nhiều giải pháp được trình diễn về triển khai khung kiến trúc chung về TPTM, nền tảng công nghệ thông tin, trục tích hợp... Hội thảo được tổ chức với sự tư vấn của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, các đơn vị chức năng, các nhà khoa học, chuyên gia về ĐTTM của Việt Nam và quốc tế.

Theo các chuyên gia quốc tế, để triển khai thành công ĐTTM, lãnh đạo tỉnh lưu ý quá trình xây dựng cần phải có quy hoạch tổng thể, bao gồm cả nguồn lực tài chính, kế hoạch đầu tư, quản lý, vận hành các hạng mục trong quá trình xây dựng, phân cấp của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Việc xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM cần bảo đảm tính kết nối, tương thích, đồng bộ với các trung tâm điều hành sẵn có và các trung tâm điều hành tại các đơn vị được chọn thí điểm xây dựng ĐTTM. Từ thực tế những mô hình thí điểm sẽ tập hợp cập nhật thông tin, tìm hiểu sâu thêm về những mô hình, từ đó tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để ban hành chủ trương cụ thể sớm triển khai các dự án thành phần ĐTTM.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh Bình Dương trong quá trình xây dựng đề án TPTM luôn không ngừng phát huy tính sáng tạo, khát khao đổi mới, cập nhật những xu thế mới, liên tục học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ các lãnh đạo, chuyên gia khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn đề cao vai trò của kết nối hợp tác để xây dựng thành công TPTM.

 

Bên cạnh đó là hội thảo doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao đổi ý tưởng phát triển kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới, trong thời đại công nghiệp 4.0 và theo định hướng TPTM Bình Dương. Các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý tưởng, dự án trong việc xây dựng TPTM tại Bình Dương, mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường- nhà doanh nghiệp), chia sẻ những xu thế mới như giải pháp về quy hoạch và đầu tư hạ tầng thông minh để kết nối; giải pháp về số hóa dữ liệu với NTT Data; giải pháp điều khiển thông minh cho hệ thống chiếu sáng đường phố…

Không ngừng phát huy tính sáng tạo, đổi mới

Trong thời gian qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, triển khai xây dựng TPTM, tỉnh Bình Dương không ngừng phát huy tính sáng tạo, luôn quan tâm đổi mới và tăng cường hợp tác quốc tế. Theo đó, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc tế và hội thảo trong nước nhằm đón nhận những ý tưởng sáng tạo, tầm nhìn đột phá đến từ các tập đoàn đa quốc gia, các công ty khởi nghiệp, từ đó mở ra cho Bình Dương những cơ hội hợp tác lâu dài với các đối tác trong tương lai, cùng chung tay xây dựng một Bình Dương năng động, thịnh vượng, bền vững, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên.

Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong quy hoạch tổng thể để xây dựng TPTM và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” vừa qua, các chuyên gia Phần Lan đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TPTM và hệ sinh thái sáng tạo đổi mới với các mục đích và yêu cầu để triển khai thực hiện. Theo các chuyên gia Phần Lan, Bình Dương cần tăng cường đổi mới công nghiệp để phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ thân thiện và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, thiết lập thành phố đổi mới sáng tạo cũng như các bước để triển khai ở những ngành và lĩnh vực khác.

Nhằm góp phần xây dựng thành công mô hình TPTM, tại hội thảo “Mô hình TPTM và các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung về các giải pháp giáo dục thông minh, vườn ươm khoa học - công nghệ. Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực thông minh là môi trường giáo dục được trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý (xuyên suốt từ Trung ương tới trường lớp học) trong công tác giảng giải và học tập, đồng thời kết nối internet và truyền hình truy cập trực tiếp tới các học liệu, điện tử, tiêu chuẩn quốc tế với đội ngũ cán bộ quản lý; giáo viên và học sinh được đào tạo bài bản để nắm chắc việc sử dụng hệ thống trong trường học.

Đề xuất với tỉnh về giải pháp giáo dục thông minh, theo nhiều chuyên gia, Bình Dương cần xây dựng các đề án trọng tâm, trọng điểm đạt chuẩn quốc tế để triển khai và quyết tâm thực hiện thành công “Đề án trường thông minh”, “Đề án trường chuyên”, “Đề án chuẩn hóa cơ bản các trường học trong toàn tỉnh”, “Đề án các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng các trường nghề trong tỉnh Bình Dương” nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội đặt ra. Ngoài ra, Bình Dương cần xây dựng hệ thống quản lý thông minh chung kết nối với các trường học trong hệ thống giáo dục - dạy nghề và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của Bình Dương gắn kết với hệ thống giáo dục thông minh toàn quốc…

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh Bình Dương trong quá trình xây dựng đề án TPTM luôn không ngừng phát huy tính sáng tạo, khát khao đổi mới, cập nhật những xu thế mới, liên tục học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ các lãnh đạo, chuyên gia khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn đề cao vai trò của kết nối hợp tác để xây dựng thành công TPTM.

“Tư duy “Thành phố đổi mới sáng tạo” là tư duy mang tính thúc đẩy việc xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo có kế hoạch; nghĩa là các nhà phát triển đô thị phải đưa yếu tố có lợi cho đổi mới sáng tạo cụ thể vào các quy trình hoạch định ban đầu của mình. Các yếu tố này phải bao gồm kế hoạch dành cho cụm đổi mới sáng tạo và phát triển nền tảng dành cho công ty khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các cấu trúc và quy trình mang tính tổ chức có lợi cho sự đổi mới sáng tạo và có khả năng tăng thêm giá trị này có thể được xây dựng một cách tốt nhất nếu kết hợp với các khu, cụm công nghiệp, trường đại học và cộng đồng nghiên cứu ở địa phương”.

(Ông Jukka Viitanen, Chuyên gia về phát triển và triển khai các dự án TPTM và đổi mới sáng tạo của Phần Lan)

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên