Hương bưởi đường

Cập nhật: 20-09-2016 | 07:38:46

Chúng tôi ghé cù lao Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) một buổi sáng còn đẫm sương. Qua cầu Bạch Đằng, cây cầu được hoàn thành vào năm 2010 là chúng tôi đã đặt chân vào đất cù lao nổi danh của tỉnh Bình Dương. Những con đường được thảm nhựa khang trang, những ngôi nhà ngói được bao bọc xung quanh toàn cây ăn trái yên ả đến nao lòng.

Ông Ngô Mạnh Hùng bên vườn bưởi chuẩn bị cho vụ tết cổ truyền 2017. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Miếng bưởi… là đầu câu chuyện

Ông Ngô Mạnh Hùng, người được mệnh danh là “vua bưởi” của vùng đất cù lao tiếp đón chúng tôi bằng ấm trà nóng trong không khí mát rượi từ vườn bưởi nhà ông. Uống ngụm trà, ông Hùng tỏ ra nuối tiếc: “Anh chị nhà báo ghé thăm Bạch Đằng mùa này thật tiếc, vì bưởi mới ra trái thôi. Ở vùng này tiếp khách phải có bưởi thì mới đủ lễ”. Ông cười thật hiền, nụ cười hiền như bao người con ở đất cù lao Bạch Đằng.

Năm 1992, gia đình ông Hùng từ TP.Hồ Chí Minh về cù lao sinh sống. Khi ấy Bạch Đằng vẫn còn là một địa phương nghèo, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào 2 vụ lúa hè - thu và đông - xuân. Trước năm 1975, vùng đất Mỹ Quới, Mỹ Hòa nơi cung cấp hai phần ba số lượng bưởi cho thương hiệu bưởi Tân Triều thuộc Biên Hòa, Đồng Nai; sau giải phóng vùng đất này thuộc tỉnh Sông Bé. Ngày nay, sau bao lần thay đổi đã trở thành địa danh cù lao Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên.

Vùng đất bưởi đường lúc bấy giờ vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn nhiếu thiếu thốn, muốn sang cù lao chỉ có cách đi phà từ Tân Uyên hoặc từ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Nhưng vẫn còn đó di sản cây bưởi mà ông cha ta hàng trăm năm trước đi khai hoang lập ấp mà hình thành nên. Ông Hùng kể, thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống của người dân nơi đây từng bước tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu thụ bưởi cũng tăng. Nhưng lúc đó bưởi chủ yếu chỉ có trái tầm tháng 9 là hết mùa. Ông Hùng chính là người đi tiên phong tạo ra loại bưởi nghịch mùa để bán đúng ngay vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, làm thay đổi hoàn toàn cách trồng bưởi của vùng đất Bạch Đằng, hướng tới phục vụ đúng nhu cầu của người dân trong dịp tết cổ truyền.

Ông Đỗ Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, qua sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, xã Bạch Đằng thường xuyên mở các lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây bưởi. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hộ nông dân đi tham quan các mô hình phát triển du lịch miệt vườn tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những bước chuẩn bị cần thiết cho Bạch Đằng tiếp tục trở mình thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Hiện xã đang có một sân golf tiêu chuẩn quốc tế, đã đón 6.000 lượt khách chỉ trong 9 tháng qua. Ngoài ra, một dự án du lịch sinh thái đang trong quá trình giải tỏa đền bù cũng được gấp rút hoàn thành. Hy vọng một ngày không xa, hương vị bưởi đường lá cam, bưởi ổi… - cái ngọt thanh mà không the, không chát chỉ có bưởi Bạch Đằng có được sẽ còn bay xa hơn nữa.

Vụ bưởi nghịch mùa đầu tiên ông Hùng làm là vào năm 1996, nhưng lại cho kết quả hết sức thảm hại. Bưởi ra trái không đều, trái nhỏ trái to, trái chín trái sống. Mùa bưởi tết năm đó ông Hùng trắng tay. Thất bại không làm ông Hùng thoái chí, mà trái lại ông đã nắm được quy luật sinh trưởng của bưởi từ khi ra hoa đến khi quả chín thời gian kéo dài khoảng 6 tháng rưỡi. Ông Hùng lại mày mò lên kế hoạch “ép” bưởi phải ra hoa đậu trái đúng tính toán của mình. Nhưng vấn đề ông gặp phải chính là nếu để bưởi cho trái trúng dịp tết, cây bưởi phải chịu 3 - 4 tháng mưa; không có cách bảo vệ thì bưởi sẽ bị ghẻ, sâu bệnh. Sau đó, ông Hùng lấy bọc nhựa PE để bảo vệ trái trong những tháng mưa tầm tả. Giải quyết được bài toán “mưa dầm dề” gây bệnh cho bưởi, vườn bưởi nghịch mùa của nhà ông đã cho quả nặng trĩu cành vào mùa thu hoạch. Ông Hùng tự hào khoe, có tết, một cặp bưởi ông bán mua hẳn hoi được hai chỉ vàng. Và từ đây, bí quyết trồng bưởi nghịch mùa đang lan truyền rộng rãi khắp cù lao Bạch Đằng.

Chính nhờ cây bưởi, không những gia đình ông Hùng khấm khá lên mà còn biến vùng đất thuần nông này trở thành nơi sản sinh ra nhiều triệu phú, tỷ phú nhờ cây bưởi. Cây bưởi biến vùng quê nghèo trở nên sung túc, trù phú, giúp xã Bạch Đằng sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Để hương bưởi bay xa…

Quyết định 45 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ gìn giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương đã tiếp thêm sức sống cho những vùng cây trái, trong đó có xã Bạch Đằng. Năm 2016, 332 hộ nông dân của xã tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi về cây giống, tiền phân bón, chăm sóc cây bưởi; trong đó có 259 hộ trồng mới, chủ yếu tập trung các loại bưởi đường lá cam, bưởi da xanh, bưởi ổi… Bên cạnh đó, để khai thác giá trị gia tăng từ vườn bưởi Bạch Đằng đem lại, UBND tỉnh đang xây dựng đề án “Phát triển vùng du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, vườn cây ăn trái” tại các địa phương có nhiều tiềm năng như Lái Thiêu, Bạch Đằng… Tiềm năng về du lịch, dịch vụ đang mở toang cánh cửa đối với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đây làm ăn.

Ông Đỗ Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng chia sẻ, nói không quá khi cây bưởi chính là cây xóa đói giảm nghèo. Hương vị bưởi ngọt ngào chỉ có phù sa sông Đồng Nai bồi đắp cho loại đặc sản này mới cho ra những quả bưởi mang phong vị độc đáo, đặc trưng của đất cù lao Bạch Đằng. Nhờ cây bưởi, đời sống người dân ngày một ổn định, nhiều hộ xây nhà kiên cố, mua xe ô tô, trở thành triệu phú ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Ông Trí còn nhấn mạnh, chính cây bưởi đã giúp Bạch Đằng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2013. Cơ sở hạ tầng khang trang, điện - đường - trường - trạm phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt học tập, lao động, văn hóa, giải trí của người dân nơi đây là bằng chứng rõ nét mà vườn bưởi mang lại. Hiện tại, đầu ra của bưởi Bạch Đằng rất khả quan, bưởi được đưa vào hệ thống siêu thị tại Bình Dương; các thương lái tìm về Bạch Đằng thu mua và phân phối lại trên cả nước và cả khách đến mua lẻ bưởi khi có dịp tham quan Bạch Đằng… Đó là lý do xã Bạch Đằng tin tưởng, cây bưởi không còn là cây xóa đói giảm nghèo, mà chính là cây trồng giúp bà con nông dân làm giàu.

Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh - đơn vị đang hỗ trợ Bình Dương xây dựng đề án “Phát triển vùng du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, vườn cây ăn trái” đã đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển du lịch nơi đây. Theo ông Lộc, cù lao Bạch Đằng hầu như ít bị ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bình Dương. Bạch Đằng còn mang dáng dấp của vùng quê miệt vườn, những khoảng ruộng xanh tươi, vườn cây ăn trái trĩu quả được sông Đồng Nai nuôi dưỡng bằng phù sa màu mỡ. Bạch Đằng không những là lá phổi xanh của tỉnh mà còn là nơi có đầy đủ điều kiện phát triển du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Bởi nơi đây, ngoài ngôi nhà cổ của ông Đỗ Cao Thứa có hàng trăm năm tuổi là các ngôi đình thần mang đậm dấu ấn văn hóa Nam bộ và con sông Đồng Nai thơ mộng hứa hẹn nhiều loại hình du lịch văn hóa, sinh thái cho vùng quê này phát triển rực rỡ hơn nữa. 

“Cần lấy kinh nghiệm từ vườn cây ăn trái Lái Thiêu từ nhiều năm trước để định hướng và xây dựng Bạch Đằng trở thành một khu du lịch bền vững kiểu mẫu. Bạch Đằng phải giữ lại dáng dấp, phong vị làng quê miệt vườn”.

(Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh)

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
bưởi

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên