Hướng tới một thành phố sống tốt

Cập nhật: 11-12-2017 | 05:43:42

Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương hướng tới mang lại sự thịnh vượng và đời sống tốt đẹp hơn cho người dân, đẩy mạnh giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn khu vực.

 

 Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Thành phố đáng sống

Theo hướng tiếp cận định lượng, chất lượng sống được đánh giá khách quan thông qua chỉ số định lượng về kinh tế - xã hội, mức sống và khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng. Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, trường Đại học Việt Đức cho biết, theo cách làm của Singapore, thành phố sống tốt là thông qua việc quy hoạch tốt, cung cấp một môi trường sống sôi động, hấp dẫn và an toàn cho người dân sống, làm việc và giải trí. Thành phố sống tốt cần có được sự quản trị tốt, một nền kinh tế đầy tính cạnh tranh, chất lượng cuộc sống cao và bền vững. Với một khu ở, sống tốt hay đáng sống được đồng nhất với chất lượng không gian sống và môi trường xung quanh; dễ dàng trong việc sử dụng và tiếp cận không gian; cảm giác an toàn cho người dân.

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn cho biết thêm, để đánh giá chất lượng cuộc sống nhóm nghiên cứu đề tài “Thành phố sống tốt tỉnh Bình Dương” đã dựa vào 6 khía cạnh chính gồm công việc, kinh tế; an toàn; các yếu tố cơ bản nhà ở; các yếu tố cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; hoạt động cộng đồng, sự tham gia của người dân; môi trường, sinh thái. Sử dụng khung phân tích 6 khía cạnh này, nhóm nghiên cứu đã triển khai thu thập dữ liệu định tính từ trên 30 chuyến khảo sát thực địa, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tại nhiều địa bàn dân cư cũng như dữ liệu định lượng từ trên 800 người dân sinh sống tại 5 địa bàn thuộc các thị xã, thành phố trong tỉnh. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, nhiều sự khác biệt nổi bật liên quan đến điều kiện sống của người dân Bình Dương, đồng thời chỉ ra được đánh giá, xếp hạng, cảm nhận và nhu cầu của người dân đối với những yếu tố liên quan đến cuộc sống.

Các kết quả phân tích sẽ được sử dụng như là cơ sở thực chúng để đề xuất các giải pháp và định hướng phát triển đô thị phù hợp cho Bình Dương trong những năm tới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và đưa Bình Dương trở thành một nơi sống tốt hơn trong tương lai.

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu đề tài “Thành phố sống tốt tỉnh Bình Dương”, đa phần người dân đều hài lòng về điều kiện nhà ở, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và họ quan tâm đến vấn đề an toàn, công việc và thu nhập bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề nhiều người dân chưa quan tâm là hoạt động cộng đồng, tiện ích cộng đồng (chưa) thiết yếu, công tác quản lý hành chính và quy hoạch.

Nhiều giải pháp được đề xuất

Triển khai xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, hiện nay các ban công tác đề án đã và đang thúc đẩy các dự án đột phá làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành lập thành công bước đầu mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp); đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại với địa phương của các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế về thành phố thông minh...

Hướng đến mục tiêu sống tốt, theo Giáo sư Martin Wagner, trường Đại học Kỹ thuật Darmstadt (Đức), năm 2025 dân số thế giới dự kiến sẽ có hơn 8 tỷ người. Xu hướng đô thị hóa được đặc trưng bằng sự phát triển năng động của các đô thị được quan sát thấy. Đặc biệt, ở các thành phố có nguồn tài nguyên như nước, năng lượng và chất dinh dưỡng còn hạn chế, cả hai yêu cầu về cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh môi trường phải hiệu quả về nguồn lực và mang tính linh động cao. Các hệ thống cơ sở hạ tầng thông thường, tập trung hóa không đáp ứng được những yêu cầu mới do thu hồi nguồn lực còn hạn chế và kém linh hoạt. Do đó, cách tiếp cận bằng phương pháp bán trung tâm kết hợp khôi phục các nguồn lực thích hợp và sự linh hoạt của các khu vực đang phát triển.

Bên cạnh đó, tái chế và tái sử dụng nước, thu hồi nhiệt và năng lượng từ rác thải và các chất thải là những mục tiêu chính của mô hình bán trung tâm. Tính linh hoạt sẽ được bảo đảm nhờ quy mô tiếp cận cơ sở hạ tầng mới giữa các hệ thống tập trung và phân cấp. Điều này cho phép mô hình bán trung tâm liên tục thích ứng với cơ sở hạ tầng nước để thay đổi điều kiện và phát triển với thành phố. Giáo sư Martin Wagner cho biết, bán trung tâm đối với công trình hạ tầng nước và năng lượng phù hợp với nhu cầu của các khu đô thị đang phát triển.

Theo Giáo sư Hans Joachim Linke (Đức), một thành phố đáng sống phải thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Ông đã đưa ra phương pháp tiếp cận hướng đến đô thị sống tốt tại Cộng hòa Liên bang Đức, vai trò của doanh nghiệp và chủ sở hữu phát triển bất động sản. Trong đó, ông nêu rõ trường hợp nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng đất ở tương ứng; nghiên cứu về nhà ở giá rẻ và đưa ra giải pháp hiện tại của mô hình phát triển nội bộ của thành phố Stuttgart. Đó là có thể lấy đến 2/3 toàn bộ giá trị tăng lên của đất từ nhà đầu tư để bù đắp cho các điều kiện hợp đồng nhưng các nhà đầu tư vẫn chấp nhận mô hình này vì sự gia tăng giá trị đất theo kế hoạch sử dụng đất mới là rất cao.

Nhóm nghiên cứu đề tài “Thành phố sống tốt tỉnh Bình Dương” đề xuất, tỉnh cần phát huy hơn nữa các động lực phát triển trong giai đoạn mới, như thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế; sự tham gia của người dân/cộng đồng...

 PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên