Huyện Dầu Tiếng: Phát triển thương mại - dịch vụ gắn với công nghiệp - đô thị

Cập nhật: 27-03-2021 | 08:38:46

Huyện Dầu Tiếng xác định việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) sẽ tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

 Khu đô thị Minh Hòa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút phát triển thương mại - dịch vụ

 Giao thông mở đường

Dầu Tiếng là địa phương được nhiều người gửi gắm kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong giai đoạn mới. Điều đó có cơ sở khi thời gian qua, Dầu Tiếng nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư. Với vị trí kết nối liên vùng, nơi đây nếu có định hướng phát triển đúng sẽ là điều kiện quan trọng để trở thành cực tăng trưởng mạnh trong tương lai gần.

Hiện nay, nội ô của Dầu Tiếng được quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian sống xanh, thuận tiện về giao thông. Đây là một điểm nhấn quan trọng mà Dầu Tiếng đã có trong hành trình đặt nền tảng cho phát triển. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho rằng: “Hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, đang ngày càng hoàn thiện đã góp phần phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm, như: Mở rộng ngã tư Minh Hòa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị Long Hòa, đô thị Bến Súc... sẽ tạo động lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới”.

Giai đoạn 2015-2020, huyện đã dành hơn 804 tỷ đồng để đầu tư 32 công trình hạ tầng, thực hiện lắp đặt mới 522 bộ đèn chiếu sáng trên các tuyến đường với tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng đã góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống người dân. Kết quả phân loại theo các tiêu chí đô thị, đến nay thị trấn Dầu Tiếng đạt 78,21/100 điểm; Minh Hòa, đạt 63,22/100 điểm; Long Hòa, đạt 61,40/100 điểm; Thanh Tuyền, đạt 79,76/100 điểm, phấn đấu đến cuối năm 2020, Thanh Tuyền được công nhận là đô thị loại V.

Tiếp tục thực hiện sứ mệnh “giao thông đi trước mở đường”, giữa tháng 10-2020, UBND tỉnh khởi công dự án xây dựng đường và cầu qua sông Sài Gòn kết nối Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Dự án do có tổng vốn gần 370 tỷ đồng, quy mô đường và cầu dài hơn 80m với điểm đầu tiếp giáp đường ÐT744 thuộc thị trấn Dầu Tiếng (Bình Dương) và điểm cuối đấu nối vào dự án đường Ðất Sét - Bến Củi, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ðây là công trình không chỉ kết nối hai địa phương, mà còn mang ý nghĩa kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo lực thúc đẩy kinh tế các địa phương trong vùng phát triển. Hiện nay, UBND huyện đã xin chủ trương về việc mở rộng tuyến ĐT744 thành 6 làn xe, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hành hóa với vai trò trung chuyển, kết nối liên vùng cho những địa phương tiếp giáp.

Đẩy mạnh đô thị hóa

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Dầu Tiếng bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, TM-DV, nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Phương Linh cho rằng hiện nay, để tạo cú hích cho TM-DV phát triển, huyện đẩy mạnh việc hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu và yếu của đô thị theo kế hoạch. Cụ thể huyện tập trung nguồn lực cho các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa. Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư vào khu trung tâm TM-DV - dân cư thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 28,14 ha); khu trung tâm TM-DV - dân cư phía bắc thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 67,64 ha), khu đô thị mới phía tây bắc thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 19,6 ha), khu đô thị phía đông thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 23,85 ha); khu đô thị mới phía tây thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 27,1 ha), khu đô thị ven sông Sài Gòn phía tây nam thị trấn Dầu Tiếng (quy mô 45 ha).

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Dầu Tiếng hiện đang tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tạo bước đột phá. Trong đó tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; hoàn thành, giữ vững và nâng cao các mục tiêu nông thôn mới; triển khai phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy các lợi thế của huyện nhà...

Trước mắt để đổi mới mô hình tăng trưởng, Dầu Tiếng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, tập trung cho hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Ðể thực hiện được những nội dung này, huyện đã đầu tư phát huy lợi thế của cảng sông. Bên cạnh đó, huyện nỗ lực tập trung nghiên cứu về các phương án logistics vận chuyển đường sông, trở thành trung tâm vận chuyển, trung chuyển hàng hóa thuận lợi của tỉnh nhà và các địa phương lân cận. Kỳ vọng với những bước đột phá trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2025, sẽ nâng tầm, tạo động lực hơn nữa để huyện nhà phát triển toàn diện.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên