Huyện Dầu Tiếng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tốt

Cập nhật: 16-01-2018 | 08:56:06

Thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Dầu Tiếng, UBND huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2017- 2020. Đặc biệt, huyện đã xây dựng và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững (gọi tắt là đề án)...

 Thực hiện đề án, UBND huyện Dầu Tiếng đã hoàn chỉnh quy hoạch, cơ chế, chính sách làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Dầu Tiếng đạt kết quả tốt. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Ảnh: K.NGA

Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện đề án đã giúp thay đổi tư duy của người dân về nhu cầu và quyết tâm đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đại bộ phận nông dân huyện Dầu Tiếng đều nhận thức được phải chuyển mạnh từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động sang đầu tư về khoa học - công nghệ và cải tiến quản lý, chuyển từ thị trường giá thấp và dễ tính về chất lượng sang thị trường giá cao với yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe hơn. Bên cạnh đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn giúp cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường, sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm…

Hiện toàn huyện Dầu Tiếng có 580 ha cây ăn quả, tăng 202 ha so với năm 2013. Các loại cây ăn quả chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Cùng với đó, huyện đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Địa phương cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 102 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện Dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 95 ha; diện tích còn lại do người dân thực hiện.

Về sinh vật cảnh, được huyện Dầu Tiếng xác định là 1 trong 3 ưu tiên phát triển. Các loại sinh vật cảnh được phát triển phổ biến hiện nay là hoa lan, cá cảnh, kiểng, bon sai. Để phát triển những mô hình này, huyện đã thành lập Hội Sinh vật cảnh, tập hợp những nghệ nhân có kinh nghiệm. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 11ha sinh vật cảnh, trong đó trang trại hoa lan Mai Quốc Thái ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa với diện tích 6,5 ha được xác định là cơ sở trồng lan đạt hiệu quả nhất. Kế tiếp là 2 ha trồng nấm ăn, nấm dược liệu và sản xuất phôi nấm tại trang trại nấm Minh Khải (xã Minh Thạnh) và trại nấm Tấn Hưng (xã Minh Hòa). Đối với mô hình nuôi cá cảnh, tập trung chủ yếu tại xã Thanh Tuyền và xã Thanh An. Giá trị sản xuất sinh vật cảnh của huyện đạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm; lợi nhuận 500 triệu đồng/ha/năm.

Đối với chăn nuôi, chăn nuôi nông hộ được củng cố theo hướng an toàn, bền vững, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn huyện Dầu Tiếng hiện có 212 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ước tổng đàn gia súc là trên 115.870 con, đàn gia cầm 2 tỷ 590 triệu con.

Hiện nay, huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, con đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà phía trước còn nhiều thử thách, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn nữa của các cấp, các ngành và người dân trong huyện.

 KIM NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên