Hy sinh vì nghĩa lớn

Cập nhật: 21-01-2015 | 10:28:16

Những ngày đầu năm, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị tổ chức lễ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 34 mẹ theo quyết định của Chủ tịch nước. Đây là danh hiệu cao quý dành tặng cho những người mẹ đã có công sinh ra và nuôi dưỡng những người con anh hùng cho cách mạng.

Đi theo con đường chính nghĩa

Tìm về xã An Điền, TX.Bến Cát thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tám, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi thấy sức khỏe mẹ đã yếu nhiều. Dù vậy, mẹ vẫn gắng sức ngồi kể cho chúng tôi nghe về 2 người con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tám

Ngày ấy, khi Mỹ - Ngụy tàn phá dân làng, đàn áp cách mạng, những người Việt Nam yêu nước, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Tám không thể làm ngơ trước vận mệnh của Tổ quốc. Với giọng nói run run, mẹ kể, sống trên mảnh đất ngày ngày bị bom đạn giặc Mỹ dày xéo, phụ nữ và trẻ em cũng có tinh thần đánh giặc. Khi còn con gái, mẹ theo chị em phụ nữ trong xã đi biểu tình, đấu tranh lên án chế độ Mỹ - Ngụy. Bọn giặc rất hung hãn và tàn bạo, nhưng vẫn không ngăn nổi lòng yêu nước của đội quân tóc dài. Tùy từng giai đoạn mà mẹ đóng góp sức mình cho cách mạng. Có thời gian mẹ tham gia công tác hội phụ nữ, làm công tác binh vận. Từ sự vận động của mẹ và các chị em, một số lính ngụy đã bỏ hàng ngũ giặc.

Thời giặc giã, cuộc sống của dân lành khó khăn, thiếu thốn mọi bề, mẹ Nguyễn Thị Tám cũng cùng chung cảnh ngộ ấy. Bản thân dù phải tảo tần nuôi các con thơ, mẹ vẫn đóng góp cho cách mạng gạo, bột ngọt, võng… Mỗi khi qua cầu Đò, giặc xét rất gắt gao, nhưng nhờ sự lanh lợi, nhiều lần mẹ qua được các chốt chặn của giặc.

Người dân An Điền vốn có truyền thống nhiều đời theo cách mạng, có những gia đình nhiều người cùng tham gia kháng chiến. Với mẹ Tám, các con của mẹ thừa hưởng dòng máu yêu nước của mẹ nên khi lớn lên các anh cũng gia nhập đội quân giải phóng. Năm 1970, ông Hồ Văn Cu tham gia du kích xã An Điền. Những năm tháng ấy, nhắc đến du kích địa phương, bọn giặc luôn khiếp sợ. Riêng ông Cu rất gan dạ, ông tham gia phá đồn, bốt giặc. Bọn giặc cho mật thám theo dõi, nhưng ông thoắt ẩn, thoắt hiện nên giặc không làm gì được. Thấy ông gan dạ, anh hùng, tỉnh đưa ông đi học để sau này về lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng trên đường đi, chẳng may ông lọt vào ổ phục kích của giặc và hy sinh. Ngày ông Cu bị giặc giết, chưa chôn cất con, giặc đã bắt mẹ để điều tra. Nỗi đau đã biến thành nỗi căm hờn, mẹ nhất quyết không khai một lời.

Nhắc đến liệt sĩ Hồ Văn Sáu trong ký ức mẹ vẫn còn rõ mồn một về người con to lớn, đẹp trai. Sau khi người anh hy sinh, ông Sáu cũng gia nhập vào đội du kích để trả thù cho anh và góp sức cùng cách mạng đem lại sự bình yên cho quê hương. Cũng như người anh, ông Sáu chiến đấu rất kiên cường, cứ thấy giặc là ông khử nên chúng rất sợ khi đụng độ với ông. Trong suốt hơn 2 năm ông cùng đồng đội bám địa bàn và chủ động đánh giặc. Đến tháng 3-1974, ông bị vướng mìn giặc và mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Mẹ Tám nhớ lại, trong quá trình 2 người con tham gia cách mạng, mẹ có đến 4 lần bị giặc bắt, tra khảo. Không tỏ ra lo sợ, mẹ nói thẳng vào mặt giặc: con tôi đã khôn lớn, có suy nghĩ riêng, biết đâu là con đường chính nghĩa. Yêu nước không phải là có tội, những kẻ bán nước mới có tội với Tổ quốc!

Con mất, lòng mẹ đau như cắt, nhưng mẹ luôn tự hào khi các con đã góp sức mình để cho đất nước mãi mãi mùa xuân. Giờ đây, mẹ thấy mãn nguyện khi lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm thăm hỏi, động viên mẹ mỗi khi mẹ đau yếu. Những dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), các anh cũng đến thăm, tặng quà. Đó chính là sự tri ân của xã hội đối với những người mẹ đã sinh ra những người con trung dũng, kiên cường.

 

Những vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang

Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cúc ngụ ấp Tân Tiến, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo vào những ngày cuối năm khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2). Trong căn nhà khang trang của người con gái út, mẹ rất phấn khởi khi biết chúng tôi đến thăm.

Mẹ VNAH Phạm Thị Cúc

Dù đã 100 tuổi, nhưng mẹ Phạm Thị Cúc vẫn còn rất tỉnh táo, mỗi lần nói đến 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Chen (SN 1935) và Nguyễn Văn Sửu (SN 1949). Kể về những kỷ niệm của các con, mẹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh của từng đứa. Ông Chen đi bộ đội khi đã có 2 con. Vào bộ đội, ông công tác tại Trung đoàn Đặc công 800 đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm ông hy sinh là Trung đội phó. Năm 1965 đơn vị của ông Chen trong một lần tấn công đồn Bà Rịa thì bị địch phát hiện, chúng phản công dữ dội, đơn vị ông phải rút lui; nhưng không may cho ông Chen, khi vừa thoát khỏi vòng vây đạn lửa của kẻ thù thì ông bị bức tường ở đồn Bà Rịa đổ và đè chết. Dù đã rất cố gắng, nhưng đơn vị vẫn không tìm được xác ông.

3 năm sau ngày ông Chen hy sinh, năm 1968 mẹ Cúc thêm một lần chết lặng khi người con thứ 7 là anh Nguyễn Văn Sửu hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi. Nhớ đến ông, mẹ nói: “Mẹ thương thằng Sửu nhất, nó hy sinh còn quá trẻ, khi mà tương lai của nó còn đang ở phía trước. Khoảng năm 16, 17 tuổi gì đó, thằng Sửu tham gia hoạt động cách mạng, là đội viên du kích xã Phước Sang. Hàng ngày nó thường hay đi vào căn cứ liên lạc, dẫn đường và bảo vệ an toàn cho chỉ huy”.

Ông Sửu hy sinh trong một lần đi công tác tại ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Lần đó lãnh đạo của ông bị kẻ thù lừa gạt rồi tấn công bất ngờ bằng bộc phá. Toàn bộ tổ công tác đều bị thương, riêng ông Sửu hy sinh khi toàn thân bị xé nát. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mẹ chết lặng. Suốt mấy tháng trời mẹ khóc ròng, ăn không ngon, ngủ không yên, đêm nào mẹ cũng mơ thấy các con. Cho đến bây giờ dù ông Chen hy sinh đã 50 năm, ông Sửu đã 47 năm nhưng thi thoảng trong giấc ngủ mẹ vẫn thấy hai con về với mẹ.

Ở tuổi 100, dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù con, cháu của mẹ sum vầy cùng mẹ, dù cuộc sống của mẹ, con mẹ đã ấm no, nhưng với mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cúc thì vết thương lòng, vết thương mất con vẫn mãi hằn sâu trong tấm lòng bao la của người mẹ. Ngoài 2 liệt sĩ kể trên, mẹ còn một người con thứ 8 là ông Nguyễn Văn Dần, là thương binh, cùng người con thứ 6 là ông Nguyễn Văn Tý đã qua đời sau chiến tranh do hậu quả của những năm tháng trong quân ngũ để lại. Nỗi đau quá nhiều, mất mát quá lớn khiến cho khuôn mặt người mẹ nhân từ, phúc hậu chợt đượm buồn mỗi khi nhắc đến các con. Xã Phước Sang anh hùng có được như ngày hôm nay được dựng xây bởi nhân dân anh hùng và những người mẹ anh hùng như mẹ Cúc.

  A.SÁNG - HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên