Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020: Bước đi quan trọng cho chặng đường thành công sắp tới

Cập nhật: 13-07-2016 | 07:28:12

UBND tỉnh vừa thông qua Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 để trình HĐND tỉnh phê duyệt. Đây được xem là một bước đi quan trọng, mang tính then chốt cho quá trình phát triển đi lên của Bình Dương trong 5 năm tới.

 Nhiều dấu ấn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm qua (2011-2015), toàn tỉnh đã phát triển ổn định, gặt hái nhiều thành công và tạo nhiều điểm nhấn ấn tượng. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, nền kinh tế của đất nước đối mặt với nhiều thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có sự nỗ lực rất lớn để đạt được những mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực. Điển hình, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này ước đạt 13,1%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 1,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,5%; khu vực dịch vụ tăng 20,9%. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%, tương ứng cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) là 62,9% - 23,08% - 4,58%. Nhờ vào những bước phát triển quan trọng này mà GDP bình quân đầu người của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tăng lên đến 72,7 triệu đồng/năm, tương ứng GRDP bình quân đầu người đạt 101,2 triệu đồng/năm. Cùng với đó, là tỉnh công nghiệp nên tăng trưởng ở lĩnh vực này của Bình Dương cũng đạt kết quả ấn tượng. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm qua tăng 15,5%; vốn đầu tư toàn xã hội và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 22%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20,4%.

Theo Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND tỉnh thông qua, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững... Trong ảnh: Đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN THI

Có được mức tăng trưởng cao ở các lĩnh vực, trong khi cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định nên tài chính và ngân sách của tỉnh trong 5 năm qua tăng trưởng bền vững. Tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đạt 145.608 tỷ đồng, tăng bình quân 12% mỗi năm; trong đó thu nội địa chiếm 68% (tăng 13,1%) và thu xuất nhập khẩu chiếm 32% (tăng 6,1%).

Kinh tế phát triển ổn định và bền vững đã tạo điều kiện cho lĩnh vực xã hội gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Kết quả nổi bật là Bình Dương luôn bảo đảm tốt an sinh xã hội; người có công được chăm lo chu đáo; hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 của tỉnh. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 45.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Trên lĩnh vực giáo dục, tỉnh nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo gắn liền với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, tỷ lệ trường công lập trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia đạt 62,4%. Về lĩnh vực y tế, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 27 giường. Về diện tích nhà ở bình quân đầu người của tỉnh đạt 23,5 m2…

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm qua, cùng với sự phối hợp, nỗ lực của các ngành, các cấp, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Qua đó, tiềm lực và khả năng cạnh tranh thương hiệu của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt; Bình Dương đã vươn lên nhóm tỉnh dẫn đầu thành công trong sự nghiệp đổi mới.

Bảo đảm phát triển bền vững

Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá, nâng cao đời sống nhân dân, mới đây, UBND tỉnh đã thông qua dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Qua đó, kế hoạch này nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý cho thời kỳ mới. Bình Dương sẽ quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế gắn liền với quá trình đô thị hóa theo hướng ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao. Theo kế hoạch này, sản xuất công nghiệp phải tiếp tục tăng trưởng và từng bước đi vào chiều sâu; cùng với đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Tỉnh nhà sẽ tiếp tục kiên trì đổi mới, bám sát mục tiêu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020; đồng thời hoàn thiện và phát huy hiệu quả của hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo hướng đồng bộ, văn minh.

Một mục tiêu quan trọng khác là tỉnh tiếp tục cải cách hành chính nhằm nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, tỉnh cũng phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bình Dương cũng cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế để phát triển bền vững.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn mới, Bình Dương sẽ có hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Theo đó, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp; phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ cũng như nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên phát triển ngành dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải chuyên dùng, đầu tư phát triển các cảng, vận tải đường sông... Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bình Dương sẽ phát triển các khu nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tỉnh nhà cũng sẽ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng về giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội, hạ tầng viễn thông với nhiều hình thức phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục bám theo các kế hoạch, quy hoạch của tỉnh cũng như các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, từ đó tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Đặc biệt, cần phải gắn liền công tác phát triển kinh tế - xã hội với việc thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khá trong thời gian tới. Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh sắp tới là phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như giữ vững an ninh, ổn định xã hội để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,3%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2020: Công nghiệp 63,2% - dịch vụ 26% - nông nghiệp 3% - thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm 7,8%; chỉ số GRDP bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70 - 75%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%; tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỷ lệ dân số thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD. Hàng năm giải quyết việc làm cho 45.000 lao động.

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên