Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) từ 2008-2013, Bình Dương đã đạt kết quả khả quan. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết này, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) đã đánh giá cao việc Bình Dương đã thực hiện hiệu quả nghị quyết để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.
Kinh tế tăng trưởng nhanh
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động số 67/ CTHĐ-TU ngày 21-5-2008. Với các giải pháp tập trung vào quy hoạch, phát triển khu công nghiệp (KCN); liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường…; qua 5 năm triển khai (từ năm 2008 đến 2013) Bình Dương đã từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với kết quả khả quan.
Tập trung phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ - đô thị, sớm đưa Bình Dương phát triển toàn diện. (Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương - Ảnh: T.BÌNH)
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2008-2013, tỉnh đã duy trì và đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đến cuối năm 2013 công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp có tỷ trọng tương ứng là 61,3% - 35,3% - 3,4%. Trong phát triển kinh tế, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ đô thị, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm về môi trường. Kết quả, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,2%/năm; riêng trong 6 tháng đầu năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5% so cùng kỳ năm trước và đạt 81.882 tỷ đồng. Về dịch vụ, tỉnh tập trung đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển các ngành dịch vụ có tính đột phá như: Viễn thông, tài chính, ngân hàng, thương mại, logistic, bất động sản…; qua đó đưa giá trị dịch vụ tăng bình quân 22,9%/năm. Các chỉ tiêu khác cũng đều tăng khá như kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 18,5%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,6%/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 22%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2014 ước thực hiện đạt 15.225 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã thực hiện tốt, có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên cả vật chất và tinh thần, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2013 là 52,7 triệu đồng/năm. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống gia đình chính sách được quan tâm chăm lo; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. |
Về đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng được tỉnh quy hoạch và đầu tư đồng bộ và hiện đại, kết nối với trung tâm đô thị, các KCN và vùng kinh tế trọng điểm. Điều này đã tạo nhiều thuận lợi và góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước hiệu quả. Trong thời gian từ 2008- 2013 tỉnh đã thu hút 78.0394 tỷ đồng của doanh nghiệp (DN) trong nước, nâng nguồn đầu tư trong nước tại tỉnh hiện nay lên hơn 15.760 DN đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 121.700 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2008- 2013 thu hút gần 8,8 tỷ USD, nâng nguồn vốn FDI tại tỉnh hiện nay lên gần 20 tỷ USD với hơn 2.270 dự án.
Xây dựng KCN, quan tâm người lao động
Để phát triển nhanh và bền vững, trong thời qua tỉnh Bình Dương đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với từng giai đoạn để phát triển, như quy hoạch tổng thể KT-XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực… Thành công mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian qua là việc phát triển mạnh, có hiệu quả các KCN và các đô thị mới tập trung. Nhờ vậy đến nay toàn tỉnh có 28 KCN với diện tích 9.073 ha và 8 cụm công nghiệp tổng diện tích 600 ha; tỷ lệ lấp kín diện tích cho thuê của các khu, cụm công nghiệp hiện đạt 65%, diện tích đã đền bù giải tỏa đạt 98%. Nổi bật, tại tỉnh đã hình thành một Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó quy hoạch đầu tư khu đô thị mới với diện tích 1.000 ha.
Theo UBND tỉnh, chủ trương phát triển KCN thời gian qua là đúng đắn và phù hợp, tạo tiền đề và điều kiện để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế bền vững. Thông qua việc quy hoạch và phát triển các KCN tập trung này đã tạo lực thu hút đầu tư phát triển mạnh, bình quân hàng năm tăng thêm 15.678 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 1,75 tỷ USD vốn FDI, qua đó tạo điều kiện và động lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Quá trình phát triển công nghiệp kéo theo số lượng công nhân tăng nhanh và hàng năm thu hút khoảng 45.000 lao động mới, trong đó 80% là lao động ngoài tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã có 1,1 triệu người đang lao động trong các ngành kinh tế của tỉnh. Để ổn định nguồn lao động phục vụ cho phát triển, Bình Dương luôn quan tâm và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho công nhân lao động trên địa bàn. Cụ thể, đã triển khai xây dựng nhà ở cho người lao động (NLĐ) và các công trình xã hội, cơ sở phúc lợi trong các KCN; đến nay tỉnh đã thu hút 50 dự án nhà ở xã hội, riêng năm 2013 có 9 dự án hoàn thành với tổng diện tích sàn 297.000m2 đáp ứng cho 17.087 người ở. Đồng thời tỉnh đã vận động 225 DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ với diện tích sàn 270.000m2, đáp ứng cho khoảng 60.000 công nhân lao động. Ngoài ra còn có 1,8 triệu m2 nhà trọ được các tổ chức, cá nhân đầu tư để giải quyết chỗ ở cho NLĐ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư phát triển mạng lưới y tế, trường học và cơ sở văn hóa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, học tập, vui chơi giải trí cho công nhân…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong quý II-2014 vừa qua, ông Vương Đình Huệ đã đánh giá cao kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) của tỉnh và cho rằng, Bình Dương thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường. Qua các chỉ tiêu mà tỉnh đã đạt được, ông Vương Đình Huệ cho rằng Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển KT-XH tại Bình Dương.
Khen ngợi và nhấn mạnh tính năng động, sáng tạo trong áp dụng các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, tính phân cấp đầu tư, tăng thu ngân sách, huy động các nguồn lực, phát triển các KCN, thực thi các thể chế… mà Bình Dương thực hiện có hiệu quả, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều nội dung trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) vẫn còn nguyên giá trị, giúp Bình Dương có những đột phá phát triển kinh tế trong thời gian qua. Từ thực tế đó, tỉnh cần phát huy kết quả đạt được để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) trong thời gian tới, qua đó góp phần cho sự phát triển KT-XH chung của đất nước.
TRỌNG MINH