Kết quả chỉ số cải cách hành chính 2017: Bình Dương đạt loại tốt

Cập nhật: 07-05-2018 | 08:15:52

Sáng 2-5, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS). Theo đó, tỉnh Bình Dương đạt 83,71 điểm, loại tốt, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bình Dương tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC gắn với tinh giản bộ máy, biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” xã An Điền, TX.Bến Cát niềm nở tiếp dân, góp phần nâng cao chỉ số CCHC các cấp. Ảnh: HỒ VĂN 

 Bình Dương thuộc nhóm tỉnh đứng đầu về CCHC

Kết quả Chỉ số CCHC 2017, tỉnh Bình Dương đạt 83,71%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thuộc nhóm các địa phương có kết quả Chỉ số CCHC tốt (trên 80%). Các lĩnh vực chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh Bình Dương tiếp tục được đánh giá cao, thuộc “top 10” cả nước. Ngoài ra, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ cơ quan hành chính Nhà nước và tác động của CCHC đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng đạt kết quả tốt 96,39%.

Kết quả Chỉ số CCHC 2017 tỉnh Bình Dương cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành CCHC và các nỗ lực CCHC của tỉnh đã tiếp tục tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Theo kết quả chi tiết về điểm số từng lĩnh vực của Chỉ số CCHC 2017 của tỉnh Bình Dương cho thấy, Bình Dương đã có 4 lĩnh vực thuộc top 10 cả nước, cụ thể như sau:

Thứ nhất là về công tác chỉ đạo điều hành CCHC, Bình Dương đạt 8,5/10 điểm, xếp thứ 6/63 địa phương trong cả nước. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao về công tác CCHC thể hiện qua các chương trình, kế hoạch CCHC được ban hành và triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, công tác kiểm tra giám sát nghiêm túc, việc tuyên truyền về CCHC được thực hiện đa dạng trên các phương tiện truyền thông, như: Báo Bình Dương, Đài PT-TH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin Hành chính công và nhiều sáng kiến, giải pháp CHCC đã được Bộ Nội vụ ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo định kỳ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và một số nhiệm vụ của tỉnh được Chính phủ giao dù hoàn thành nhưng có nhiệm vụ hoàn thành trễ theo tiến độ.

Hai là lĩnh vực cải cách TTHC, Bình Dương đạt 14,45/15 điểm, xếp thứ 6/63 địa phương cả nước. Tỉnh Bình Dương được ghi nhận có kết quả xuất sắc về cải cách TTHC thông qua công tác kiểm soát TTHC, công bố, công khai TTHC, việc thực hiện công tác một cửa, một cửa liên thông và công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Kết quả giải quyết TTHC của tỉnh Bình Dương ở mức cao, cấp tỉnh 96%, cấp huyện 98% và cấp xã 100% nhưng vẫn còn thấp hơn 5 địa phương khác trong cả nước với tỷ lệ đúng hạn 99 - 100% ở 3 cấp chính quyền.

Ba là lĩnh vực tài chính công, Bình Dương đạt 6,43/7 điểm, xếp thứ 5/63 địa phương cả nước. Bình Dương được điểm tuyệt đối về việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, kết quả khảo sát việc tác động của CCHC đến quản lý tài chính công thì tỉnh Bình Dương chỉ đạt 2,34/3 điểm, một số lãnh đạo cấp phòng sở ngành, UBND cấp huyện và đại biểu HĐND tỉnh đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa cao.

Bốn là lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính, Bình Dương đạt 12/16 điểm, xếp thứ 8/63 địa phương cả nước. Bình Dương đạt điểm tuyệt đối trong tiêu chí áp dụng hệ thống ISO (đạt 2,5/2,5 điểm), việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu chính công ích (2/2,5 điểm) thuộc nhóm 10 địa phương có kết quả tốt nhất, việc ứng dụng CNTT của tỉnh trong CCHC cũng được đánh giá khá tốt (3,39/4,5 điểm). Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh dù thuộc nhóm 6 địa phương có kết quả tốt nhất cả nước nhưng chỉ đạt 0,96/2,5 điểm do tỷ lệ hồ sơ phát sinh của dịch vụ công mức độ 3, 4 còn rất thấp trong tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết của tỉnh.

Ngoài ra, tiêu chí tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương cũng đạt kết quả cao 14,94/15,5 điểm, tương đương 96,39% điểm số của tiêu chí này cũng cho thấy công tác CCHC đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tình hình thu hút đầu tư 2017 vượt kế hoạch, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và thu ngân sách Nhà nước của tỉnh cũng đạt kết quả tốt và được Chính phủ đánh giá cao.

Hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức

Chỉ số CCHC 2017 của tỉnh Bình Dương đạt điểm tốt, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, có sự giảm nhẹ về điểm số so năm 2016 (83,71% năm 2017 so 84,34% năm 2016) và sụt 2 hạng (từ hạng 5/63 xuống hạng 7/63). Dù đạt kết quả tốt “thuộc top 10” ở 4 lĩnh vực trọng tâm của Chỉ số CCHC 2017, nhưng 3 lĩnh vực còn lại của Chỉ số CCHC dù ở mức khá và tốt nhưng so sánh tương quan với tiêu chí của Trung ương và các địa phương khác trong cả nước thì tỉnh Bình Dương cũng cần nhiều nỗ lực hơn nữa ở các lĩnh vực, như: Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (Bình Dương đạt 8,48/10 điểm, xếp hạng 30/63), lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính (Bình Dương đạt 6,87/11 điểm, xếp thứ 62/63) và lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC (Bình Dương đạt 12,12/16 điểm, xếp thứ 24/63). Đối với kết quả điểm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, Bình Dương đạt 11,94/12 điểm, với tỷ lệ hài lòng 79,58%, xếp thứ 32/63 địa phương trong cả nước.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần nỗ lực hơn nữa trong công tác CCHC đáp ứng với yêu cầu CCHC của Trung ương và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh Bình Dương, trong đó nghiêm túc thực hiện tốt việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC gắn với tinh giản bộ máy, biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 và tăng cường ứng dụng CNTT trong CCHC, hướng đến những hành động CCHC thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng đến nhu cầu và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và góp phần tích cực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

 Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ số PAR INDEX năm 2017 tiếp tục được điều chỉnh, đổi mới phương thức đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để đánh giá thực chất kết quả CCHC và tác động của CCHC vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá với 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần theo 6 lĩnh vực của Chương trình tổng thể CCHC và công tác chỉ đạo, điều hành CCHC cũng như tiêu chí tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

TRƯƠNG CÔNG HUY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên