Kết quả của một quá trình phấn đấu

Cập nhật: 17-03-2017 | 08:36:37

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là “thước đo” mức độ hài lòng trên lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Thứ hạng PCI càng cao, mức độ hài lòng của DN đối với sự điều hành kinh tế của lãnh đạo tỉnh, thành phố đó càng lớn. Từ thứ hạng 25 trong lần công bố năm 2015, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ và đứng vị trí thứ 4 trong lần công bố năm 2016 vừa mới diễn ra. Kết quả này phản ánh một quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh nhà nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

PCI được cấu thành bởi bộ tiêu chí với 10 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; môi trường kinh doanh; thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; mức độ năng động của lãnh đạo tỉnh; dịch vụ hỗ trợ DN; chính sách đào tạo lao động; hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp. Các tỉnh, thành được xếp hạng PCI cao phải đáp ứng được các yếu tố chi phí gia nhập thị trường thấp; thời gian DN tiếp cận đất để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh nhanh; môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; thời gian thực hiện các thủ tục hành chính ngắn; có đầy đủ các dịch vụ đi kèm để hỗ trợ DN…

Nhìn lại lịch sử xếp hạng PCI kể từ lần công bố đầu tiên vào năm 2005, Bình Dương là tỉnh được DN đánh giá cao nhất với 3 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, “con một khác con bầy”, khi số lượng DN trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương ngày càng nhiều thì mức độ đáp ứng các nhu cầu của DN của tỉnh cũng giảm dần, Bình Dương rơi vào chuỗi 5 năm liền rớt hạng và dừng lại ở vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành vào năm 2013. Những năm gần đây, mặc dù chỉ số PCI có cải thiện qua từng năm nhưng và Bình Dương chỉ được xếp vào nhóm có chất lượng điều hành khá trong lần công bố năm 2015. Cú thăng hạng ngoạn mục từ vị trí 25 của năm 2015 lên vị trí thứ 4 trong lần công bố mới đây, lọt vào tốp 5 địa phương được đánh giá “rất tốt” và là 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam đã phản ánh đầy đủ sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong một thời gian dài nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Đạt được cú thăng hạng ngoạn mục đó là nhờ trong những năm gần đây lãnh đạo tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN… Song song đó, lãnh đạo tỉnh còn liên tục tổ chức các buổi đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN trong quá trình đầu tư kinh doanh. Kết quả của quá trình phấn đấu đó đã cho mùa “trái ngọt” khi Bình Dương có nhiều chỉ số thành phần đạt điểm rất cao, góp phần đưa Bình Dương trở lại tốp đầu trên bảng xếp hạng PCI. Điều này chắc chắn sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư đã chọn Bình Dương là điểm đến và thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến với Bình Dương trong thời gian tới.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên