Khá lên từ nghề đá mỹ nghệ

Cập nhật: 14-10-2019 | 07:55:03

Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục cơ sở làm đá thủ công mỹ nghệ. Đa số các cơ sở này do nghệ nhân ngoài tỉnh làm chủ, trong đó nhóm nghệ nhân từ Quảng Nam, Đà Nẵng chiếm số đông.

 Người thợ tại cơ sở đá Sơn Hà đang thực hiện tác phẩm. Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Nhu cầu tăng

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thành Khiêm, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Ba Khiêm, ở phường An Bình, TX.Dĩ An, vào một ngày cuối tuần. Cơ sở của anh có diện tích khá khiêm tốn. Anh Khiêm đã có gần 10 năm gây dựng nghề này tại Bình Dương. Ban đầu, cơ sở của anh chỉ chuyên đục bia, khắc chữ trên đá. Dần dần, do nhu cầu thị trường lớn anh về Bình Định tuyển thêm thợ đá vào đây làm việc. Hiện cơ sở của anh đã chuyển sang tạc tượng đá mỹ nghệ. Mỗi tháng anh có doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí anh có lãi vài chục triệu đồng.

Anh Khiêm tâm sự, nhờ kinh tế Bình Dương phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng đồ đá mỹ nghệ ngày càng tăng. Nghề đá mỹ nghệ tại đây hiện có hàng chục cơ sở, nằm ở các địa phương Dĩ An, Thuận An, Bến Cát... Xuất thân của các nghệ nhân cũng rất đa dạng, từ Ninh Bình, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Nam, Đà Nẵng...

Với số lượng cơ sở đá mỹ nghệ ngày một nhiều, nhu cầu nguyên liệu, phôi đá tại Bình Dương cũng tăng nhanh. Anh Huỳnh Văn Giang, ở Nghệ An chuyên buôn phôi đá, cho hay mỗi tháng anh có 4 chuyến hàng chở phôi đá vào phân phối cho các cơ sở lớn nhỏ tại Bình Dương. Nguồn phôi đá này chủ yếu xuất phát từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Theo các nghệ nhân, ngày trước các công trình lớn như khách sạn, công viên muốn đặt mua tượng đá mỹ nghệ cỡ lớn như sư tử, kỳ lân, tượng Phật... họ phải ra Đà Nẵng để đặt mua hàng. Gần 10 năm trở lại đây, các cơ sở đá mỹ nghệ tại đây phát triển nhanh đáp ứng tốt nhu cầu tại chỗ cho các công trình lớn. Tại Bình Dương, nghề đá mỹ nghệ tuy còn hoạt động đơn lẻ, chưa có sự tập trung để hình thành một làng nghề chính thống nhưng cũng góp phần đa dạng các nghề thủ công truyền thống tại tỉnh.

Lo thiếu thợ

Từ cầu Vĩnh Bình (phường Vĩnh Phú) đi dọc theo quốc lộ 13 đến siêu thị Aeon hiện có nhiều cơ sở đá thủ công mỹ nghệ đang hoạt động tương đối nhộn nhịp. Sản phẩm đá mỹ nghệ của các cơ sở này rất phong phú, từ tượng trang trí sân vườn, khách sạn cho đến các loại tượng phục vụ nhu cầu thờ phụng tâm linh với đủ các loại kích cỡ lớn nhỏ

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Sơn, chủ cơ sở đá Sơn Hà, cho biết hơn 20 năm trước anh về đây lập nghiệp. Khi đó tỉnh đang thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 13, anh mang nghề đá từ Non Nước (Đà Nẵng) vào đây. Đường sá lúc đó còn thưa thớt xe cộ qua lại. Những năm đầu đi vào hoạt động, nhờ lấy công làm lời nên cơ sở Sơn Hà mới vượt qua giai đoạn khó khăn - khi nhu cầu sử dụng đồ đá mỹ nghệ nơi đây còn rất ít.

Sơn Hà là cơ sở đá mỹ nghệ lớn nhất nhì tại Bình Dương đang hoạt động hiệu quả, doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Cơ sở hiện có 3 thợ chính và 4 thợ phụ. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, có lúc cơ sở còn xuất khẩu đồ đá mỹ nghệ. Các công trình trên địa bàn tỉnh mà cơ sở cung cấp đá mỹ nghệ có thể kể đến như khách sạn The Mira, Khu du lịch Đại Nam...

Anh Sơn chia sẻ, dù là tượng nghệ thuật hay tôn giáo, mỗi bức tượng đều mang dáng dấp của người nghệ nhân tạc nên. Nghề đá đòi hỏi sự tỉ mỉ, óc thẩm mỹ rất cao, bởi lỡ tay mũi đục đi lệch vài centimet là coi như vứt đi. Mỗi sản phẩm đá điêu khắc được người nghệ nhân trân quý như là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là lý do nghề đá mỹ nghệ rất kén người làm; thực tế nguồn nhân lực cho nghề làm đá đang thiếu hụt trầm trọng.

Hiện nay, anh Sơn trả công cho thợ chính 700.000 đồng/ngày, thợ phụ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Anh đang gặp khó khăn vì không đủ thợ để làm. Đây cũng là tình trạng chung hiện nay của các cơ sở đá mỹ nghệ tại Bình Dương. Do vậy, mỗi khi vào mùa cao điểm các chủ cơ sở phải mời gọi những người thợ từ quê nhà vào đây hỗ trợ.

 Rất khó xác định ai là người đầu tiên đưa nghề đá mỹ nghệ về Bình Dương. Nhưng lịch sử đất và con người nơi đây đã từng ghi nhận hàng loạt nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ... từng là món hành trang của những cư dân di cư vào lập nghiệp tại đây. Điều đáng tiếc chính là nghề đá mỹ nghệ tại Bình Dương còn hoạt động đơn lẻ, chưa có sự đồng bộ và quy mô để có thể nâng cấp trở thành một làng nghề thủ công tiêu biểu.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên