Khắc phục tồn tại để nâng cao hiệu quả chiến dịch

Cập nhật: 29-07-2014 | 00:00:00
Đây là năm thứ 4 Bình Dương triển khai chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường (TVSMT), truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Năm nay, chiến dịch đợt 1 đã tổ chức trong tháng 6. Hiện các ngành liên quan đang chuẩn bị triển khai chiến dịch đợt 2 vào đầu tháng 8 này. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành y tế, để chiến dịch đợt 2 đạt hiệu quả cao hơn, có một số tồn tại trong đợt 1 cần sớm khắc phục…

 

Không nên chăn nuôi gia súc gần nơi sinh sống để tránh bị ô nhiễm và nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Trong ảnh: Một hộ dân ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên chăn nuôi gia súc gần nơi sinh sống Ảnh: C.LÝ

Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển, trong đó có bệnh SXH và TCM. SXH và TCM là 2 bệnh do vi rút gây ra. Hiện, cả 2 bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy rất dễ phát triển thành dịch và lây lan trong cộng đồng. Theo ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, muỗi vằn, vệ sinh khi chăm sóc trẻ em là những biện pháp tích cực trong phòng bệnh, phòng dịch.

Năm nay, chiến dịch đợt 1 đã được tổ chức 2 vòng trong tháng 6, với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Theo ghi nhận của chúng tôi khi theo chân đoàn giám sát tỉnh trong chiến dịch đợt 1 vừa qua, các hộ dân sau khi được nhóm vãng gia đến tuyên truyền, vận động đều nắm khá vững kiến thức phòng chống bệnh SXH và TCM. Họ cũng rất ý thức trong việc đổ nước trong các vật chứa nước lâu ngày như lu, bình bông để muỗi không có điều kiện sinh sản, phát triển. Tuy nhiên, tại một vài hộ gia đình, việc chăn nuôi heo, bò gần nơi sinh sống, sinh hoạt của gia đình vẫn còn. Điều này, không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để muỗi, vi khuẩn phát triển, gây bệnh cho con người…

Ông Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế nhận xét, chiến dịch TVSMT, truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH và TCM đợt 1-2014 đạt hiệu quả tương đối khả quan, góp phần làm sạch môi trường, dần tạo ý thức tự giác cho người dân trong việc thực hành diệt lăng quăng thường xuyên để phòng chống bệnh SXH; làm chuyển đổi thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh TCM cũng như nhiều dịch bệnh khác. Tuy nhiên, qua chiến dịch đợt 1, ngành y tế cũng đã chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục, chấn chỉnh để chiến dịch đợt 2 sắp tới triển khai đạt hiệu quả cao hơn. Một trong những tồn tại đã được ngành y tế chỉ ra đó là việc thành lập các nhóm trực tiếp thực hiện chiến dịch (nhóm vãng gia) tại vài địa phương chưa phù hợp với số hộ, dân số, do đó không đủ lực lượng để tham gia vãng gia hộ gia đình; chưa hướng dẫn cụ thể các biện pháp diệt lăng quăng, cách vệ sinh trong chăm sóc trẻ, vệ sinh cá nhân. Một số trường hợp còn làm thay cho người dân trong việc xử lý các dụng cụ chứa nước. Đó là chưa kể, một số người dân có ý thức chưa cao, còn thờ ơ, không hợp tác với các hoạt động của chiến dịch hoặc một số hộ biết rõ về chiến dịch nhưng vẫn không thực hiện, thậm chí gây khó khăn cho các nhóm… nên công tác vãng gia cũng gặp không ít khó khăn.

Vì thế, để phát huy kết quả đạt được trong đợt 1 và triển khai thành công chiến dịch đợt 2, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tỉnh đề nghị các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tiếp tục tham mưu tốt với BCĐ phòng chống dịch bệnh về việc triển khai chiến dịch đợt 2 tại địa phương; tăng cường giám sát công tác vệ sinh môi trường, nhất là tại các trường mầm non, mẫu giáo; giám sát côn trùng tại các điểm nguy cơ cao. Việc duy trì và đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh đến từng hộ dân cần tổ chức bằng nhiều hình thức, như: Phát thanh trên loa đài, tờ rơi, lồng ghép trong các buổi họp tổ, khu - ấp, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt đoàn thể… Ngành y tế còn cho biết, ngành sẽ phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục thực hiện tổng vệ sinh môi trường trước ngày khai giảng năm học, duy trì hoạt động tổng vệ sinh lớp học, dụng cụ, đồ chơi hàng tuần bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc bằng xà phòng. Theo khuyến cáo của ngành y tế, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng là biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả nhất.

 

 CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=463
Quay lên trên