Khai mạc Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Cập nhật: 11-05-2015 | 16:19:12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sáng 11-5, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Phiên họp diễn ra với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vào tháng Năm này.

Xem xét nhiều nội dung quan trọng, chuẩn bị kỹ cho Kỳ họp thứ 9

Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, các vấn đề về công tác tư pháp; xem xét công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... trong phiên họp này.

Nhấn mạnh tới nhiệm vụ và vai trò quan trọng của năm 2015 trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ từ nay tới cuối năm nhiệm vụ rất nặng nề.

Nhắc tới những vấn đề tác động trực tiếp tới Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá nhịp cầu hội nhập quốc tế đang sâu rộng, thương mại tự do giữa các nước, giữa các khu vực, song phương, đa phương được mở ra; tình hình đối nội, đối ngoại còn diễn biến khá phức tạp, “điều đó đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc, đánh giá được những kết quả đã đạt được để phấn đấu, đồng thời cũng thấy được những tồn tại, yếu kém, khó khăn đòi hỏi quyết tâm để vượt qua,” Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, chuẩn bị kỹ cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII sắp tới.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về ba dự án luật, trong đó có hai dự án luật được Chủ tịch Quốc hội đánh giá là rất quan trọng là Bộ luật Dân sự và Luật Trưng cầu ý dân. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ khai mạc ngày 20-5 này.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Chính phủ về năm Đề án gồm thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và bốn phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và bốn phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và ba phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Trong ngày làm việc đầu tiên tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014.

Cần giải pháp rõ hơn để nông nghiệp phát triển

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 nhận định năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch.

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Lạm phát được kiếm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ốn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tàng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu...

Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao nhất trong ba năm qua (2012-2014) và vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá.

Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyến đối mô hình tăng trưởng có nhiều chuyên biến tích cực. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống nhân dân được cải thiện...

Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.

So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, chỉ có một mục tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đặt vấn đề về chỉ tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị thời gian tới Chính phủ cần phải có giải pháp để tăng tỷ lệ qua đào tạo, qua đó tăng chất lượng nguồn nhân lực- vấn đề quan trọng đang đặt ra trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Dẫn những đánh giá trong báo cáo: hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp... nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có sự đánh giá, phân tích cụ thể để làm rõ hơn lý do vì sao trong khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng như báo cáo đã nêu.

Một số ý kiến đánh giá, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đặt vấn đề, đời sống một bộ phận người nông dân rất khó khăn, một số mặt hàng không đi vào thị trường, giá rất thấp nên vừa qua xã hội đã phải chung tay như việc bán dưa, hành tím...

Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị: “Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói như thế nào trong kỳ họp này để chia sẻ với người nông dân và quan trọng là phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ những băn khoăn về sản xuất nông nghiệp. “Sản xuất ra không tiêu thụ được, có khi thua ngay trên sân nhà. Nhưng giải pháp như thế nào lại chưa rõ. Nếu cứ tư duy thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau nông nghiệp cũng khó khăn. Chúng ta vẫn còn nặng tính bao cấp, sản xuất chưa gắn với thị trường. không thể để người dân sản xuất mà không biết sẽ tiêu thụ thế nào,” Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích.

Các nội dung này tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp chiều nay; đồng thời Ủy ban Thường vụ cũng sẽ cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên