Khai thác hiệu quả từ hệ sinh thái khởi nghiệp APEC

Cập nhật: 23-09-2017 | 08:00:31

Trong một thế giới biến đổi không ngừng, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành, nếu các nền kinh tế không có sự thích ứng kịp thời sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển. Đây sẽ là xu hướng bắt buộc trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thế giới. Chính vì thế, Bình Dương cũng như các địa phương trong cả nước, cần sớm gia nhập hệ sinh thái khởi nghiệp APEC bằng những bước đi thiết thực.

 Một công đoạn sản xuất máy phát điện tại Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (KCN Mỹ Phước II, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI 

“Nước đã đến chân”

Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ và cũng làm thay đổi cách nhìn về thế giới. Hoạt động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển lĩnh vực trọng tâm dựa trên lợi thế cạnh tranh, ứng dụng công nghệ và liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các chuỗi giá trị ngành có lợi thế của các nền kinh tế, cụ thể như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, văn hóa, giải trí, logistics, sản xuất chế biến.

Tuy nhiên, hiện nay tốc độ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn chậm. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, điển hình là việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng để thúc đẩy nhanh, trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước. Ở một số nước, họ đã thay đổi cách quản lý, chẳng hạn như lập ra một bộ riêng quản lý các vấn đề kỹ thuật số.

Mới đây, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của APEC lần thứ 24 và các cuộc họp liên quan đã được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Diễn đàn đã tập trung thảo luận những nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế; tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả.

Bình Dương có nhiều cơ hội

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay, cả nước đang xây dựng phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ. Riêng tại Bình Dương, đặt mục tiêu tạo thêm hàng ngàn doanh nghiệp mới, đi sâu vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin. Tỉnh cũng dành ra nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nhân trẻ mạnh dạn khởi nghiệp trong giai đoạn mới.

Những năm gần đây, thanh niên Việt Nam bắt đầu có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, mong muốn lập doanh nghiệp riêng cho mình. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, lợi thế so sánh của Việt Nam trên đường trở thành điểm đến khởi nghiệp là việc chúng ta có một thị trường lớn và đang tăng trưởng mạnh, cộng đồng khởi nghiệp đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực, bất chấp nhiều sự canh tranh từ bên ngoài. Vì thế, những địa phương có dân số trẻ, năng động và đầy sáng tạo như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương chính là những “vườn ươm” lý tưởng để kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để Bình Dương thực sự trở thành “vườn ươm khởi nghiệp”, tỉnh cần có cơ chế, chính sách tốt để tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; cùng với đó đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có những bước đi mạnh mẽ để cải thiện độ mở của thị trường nội địa và các quy định gia nhập thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hệ thống đào tạo về kinh doanh, đặc biệt ở bậc phổ thông. Đây chính là cơ hội để Việt Nam và các nền kinh tế APEC tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Chỉ như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ doanh nghiệp mạnh, đủ sức cung cấp sản phẩm thương hiệu Việt, dần hòa nhập với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Qua đó, đưa Bình Dương trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

MINH NGUYỄN

 

Chia sẻ bài viết
Tags
APEC

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên