Khai thác tốt tiềm năng để du lịch phát triển- Kỳ 2

Cập nhật: 08-09-2015 | 08:37:12

Với 9 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã đi vào thơ ca như làng gốm Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng guốc mộc chợ Thủ…, Bình Dương có điều kiện thuận lợi để du lịch làng nghề phát triển.

Khôi phục làng nghề

Lợi thế của loại hình du lịch làng nghề của Bình Dương là đa số làng nghề nổi tiếng như gốm, làm guốc mộc, sơn mài… đều nằm ven sông Sài Gòn, thuận lợi giao thông thủy kết hợp với du lịch sông nước.

Từ lòng hồ Dầu Tiếng xuôi về phía hạ nguồn sông Sài Gòn, du khách có thể đi tham quan các làng nghề nổi tiếng của Bình Dương như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, làng guốc mộc…

Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, không ít nghề truyền thống của Bình Dương đang mai một và thu hẹp quy mô sản xuất như làm gốm bằng đất nung truyền thống, làm guốc mộc, làm sơn mài, vẽ tranh kiếng…

Ông Vương Siêu Tín, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên), nhận định nhu cầu khách được trải nghiệm làm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Công ty của ông cũng thường xuyên “mở cửa” chào đón các sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc về tìm hiểu cách làm gốm sứ truyền thống.

 

Khách tham quan sản phẩm sơn mài truyền thống tại TP.Thủ Dầu Một

 

Theo ông đây cũng là cách quảng bá và giới thiệu làng nghề thủ công hữu hiệu. Hiện nay, nhiều công ty gốm tại Bình Dương cũng nhận được yêu cầu của các công ty lữ hành cho khách tham quan cùng được làm gốm với các cơ sở đang chào đón khách du lịch.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), cho biết đối với làng nghề truyền thống, du lịch phải gắn kết được với khách tham quan, phải cho du khách được trải nghiệm và sống trong không khí của làng nghề.

Việc Bình Dương đang cố gắng khôi phục làng nghề truyền thống cho thấy sự tích cực của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bà Hằng cũng gợi ý, TX.Thuận An có nghề làm xe thổ mộ rất nổi tiếng, nhiều hãng phim tìm về đây để đặt hàng xe thổ mộ phục vụ phim trường. Tiếng nhịp xe thổ mộ lốc cốc trên những con đường xưa đã in sâu vào tiềm thức của người dân Nam bộ.

Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý, đây có thể là một sản phẩm du lịch độc đáo nữa cho du khách tham quan tìm hiểu.

Nghệ nhân phải sống được với nghề

Họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài tỉnh Bình Dương, cho biết sứ mạng làng nghề truyền thống là rất lớn, làm sao để vừa bảo tồn vừa bảo đảm sự phát triển để các nghệ nhân làng nghề sống được với nghề là điều rất quan trọng. Chỉ có phát triển du lịch gắn liền với làng nghề, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới là bước đi bền vững.

Nghệ nhân Tư Bốn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương, Giám đốc Công ty Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một), trăn trở khách tìm đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp còn quá ít.

Phải nói rằng cách làm du lịch của một số cơ sở nghề truyền thống ở đây còn mang tính tự phát và không chuyên nghiệp. Tuy vậy, giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ là công việc hết sức khó khăn trong tình hình thị hiếu của khách tham quan ngày càng thay đổi và khó tính hơn.

“Theo tôi, kênh du lịch là hướng đi mà tất cả nghệ nhân đều phải suy nghĩ và tính toán. Bên cạnh các cơ sở làng nghề cũng cần phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn với tình hình thực tế”, ông Tư Bốn nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện các nghệ nhân đang rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở làng nghề truyền thống nâng cao kiến thức du lịch, ngoại ngữ cũng như kỹ năng tiếp cận với khách hàng một cách chuyên nghiệp.

Ông Vương Siêu Tín cho biết thêm tính liên kết trong hoạt động du lịch là rất quan trọng, du khách không thể đến vườn cây Lái Thiêu rồi ra về, họ cần nhiều hơn thế nữa.

 Bên cạnh đó cần tổ chức cho khách tham quan nhiều làng nghề trong suốt hành trình khám phá đất và con người Bình Dương; họ phải được trải nghiệm một lúc nhiều hình thái sản xuất thủ công mỹ nghệ, làm sao để du khách cùng nặn gốm, cùng vẽ tranh sơn mài, cùng làm guốc mộc…

Đồng quan điểm với ông Tín, ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An), cho rằng không những chúng ta “bán” những cái đang có, mà phải “bán” những cái khách cần, có như thế sản phẩm du lịch của Bình Dương mới đa dạng và phong phú.

Bên cạnh đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nghệ nhân với nhà nước, công ty tổ chức lữ hành… để bảo đảm du lịch làng nghề của Bình Dương phát triển bền vững.

 Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), đã đánh giá rất cao về những làng nghề truyền thống của Bình Dương. Ông cho rằng đây chính là lợi thế rất lớn của du lịch Bình Dương mà không phải địa phương nào cũng có được.

Những làng nghề truyền thống của Bình Dương có hàng trăm năm tuổi, theo chân những bậc tiền nhân từ hành trình Nam tiến, bản thân nó đã là một sản phẩm, một câu chuyện mang đầy tính lịch sử và văn hóa.

Kỳ cuối: Hình thành các “con đường du lịch”

 

PHÙNG HIẾU

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
du lịch

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên