Khẳng định vị thế…

Cập nhật: 18-10-2013 | 00:00:00

Tuy chưa thống kê chính xác nhưng có thể khẳng định rằng, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã được nâng lên rõ rệt. Giờ đây, nhiều người là cán bộ nữ lãnh đạo quản lý giỏi, những nữ doanh nhân thành đạt…  

 Kinh tế gia đình ổn định, chị Nguyễn Thị Trúc Hà (bìa trái) có điều kiện tham gia công tác tại địa phương

Vươn lên tự khẳng định mình

Hơn 10 năm trước, sau bao năm chịu đựng cảnh chồng sáng xỉn chiều say, chị Nguyễn Thị Trúc Hà, ở khu phố 7, phường Phú Mỹ (TP.TDM) đã tự giải phóng mình khi quyết tâm rời Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM (quê chồng) dẫn con về đây sinh sống. Hai bàn tay trắng, chị bắt đầu nghề tráng bánh tráng để nuôi con. Tất bật tráng bánh, phơi bánh rồi đến tìm mối bán, nhưng điều chị lo nhất là thiếu vốn. Được Hội LHPN phường hỗ trợ, cho vay từ vốn tiết kiệm “Vì phụ nữ nghèo”, vốn Cidse… Dù số vốn không nhiều, chỉ 500.000 - 1 triệu đồng nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, số tiền ấy giúp chị mua củi, mua gạo làm bánh. Sau đó, chị chuyển sang nghề đổ bánh bèo, vì nghề này đỡ vất vả mà nhu cầu thị trường cao hơn. Đến nay, mỗi ngày chị bán ra thị trường khoảng 100kg bánh bèo.

Kinh tế ổn định, chị Hà tích cực tham gia công tác hội ở địa phương. Hiện chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, cán bộ Đề án tập hợp nữ công nhân nhà trọ của phường. “Nghề đổ bánh bèo đủ cho 2 mẹ con sống thoải mái, có thời gian tham gia công tác hội, nhờ vậy mới thấy vị thế của mình được nâng lên. Mình được giao tiếp, học hỏi nhiều từ bên ngoài, từ đó, mình cũng tự tin hơn rất nhiều…”, chị Hà tâm tình.

Hay như chị Trương Thị Tạn, ở khu phố Bình Minh II, phường Dĩ An (TX.Dĩ An), không chỉ làm giàu cho bản thân mà chị còn giúp nhiều chị em khác cùng vươn lên. Nghề làm tăm nhang đã gắn liền với nhiều thế hệ nơi đây, nhưng những năm gần đây, nghề truyền thống trở nên khó khăn bởi giá thành quá cao không thể cạnh tranh, người làm nghề này cũng vì thế gặp nhiều khốn khó. Để tìm lối ra cho nghề này, chị không lấy tre qua trung gian mà hai vợ chồng chị lặn lội lên tận Đồng Nai, Lâm Đồng để tìm nguồn hàng, rồi tìm thương lái bán hàng. Tiếp đó, được Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị giải quyết được bài toán về vốn. “Ở quanh đây có đến 60 - 70 chị nhận hàng của tôi về làm. Hồi trước, các chị phải tự bỏ tiền đến tôi mua tre về làm, sau đó chẻ thành tăm nhang bán lại cho tôi. Thấy chị em làm ăn có uy tín, cộng với Hội LHPN phường vận động thành lập tổ gia công, tôi mạnh dạn giao tre cho chị em làm mà không thu tiền. Thậm chí, chị nào hoàn cảnh quá khó khăn tôi trang bị luôn cho họ máy móc”, chị Tạn nói. Với những thành tích đó, vừa qua, chị Tạn đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Tạo bệ phóng cho chị em phụ nữ

Bà Đoàn Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ nâng thức; vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc… Trong đó, nổi bật nhất là phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Các hoạt động được hội tập trung thực hiện gồm xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo… Chỉ tính từ đầu năm đến nay, bằng nhiều hình thức, các cấp hội đã vận động 4.700 chị khá giúp 9.500 chị khó khăn với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng; thực hiện chương trình vay tín chấp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xét cho 2.700 hộ vay với số tiền trên 25 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều nguồn vốn từ Quỹ tiết kiệm “Vì phụ nữ nghèo”, vốn Cidse...

Phong trào vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững gắn với phong trào thi đua, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được hội đẩy mạnh thực hiện. Từ phong trào này, chị em được học tập kiến thức về xây dựng nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí và mê tín dị đoan nâng cao, kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... Đặc biệt, thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010-2015, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các câu lạc bộ... đã giúp chị em ngày càng “Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang”.

Từ những hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ, gia đình thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống từ các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhau cùng phát triển, các nguồn vốn vay hỗ trợ chị em phụ nữ… của Hội LHPN các cấp. Có thể thấy rằng, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà, góp phần quan trọng trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên