Khi cá ngừ đại dương sang… Nhật

Cập nhật: 02-02-2015 | 08:54:39

Cuối tuần qua, lô cá ngừ đại dương đầu tiên trong năm 2015 của ngư dân tỉnh Bình Định đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một thị trường vốn rất khó tính, đặc biệt là đối với mặt hàng thủy sản, đã tạo sự chú ý không chỉ từ giới truyền thông trong nước mà các hãng truyền thông nổi tiếng như NHK (một đài truyền hình quốc tế của Nhật Bản) cũng đã tìm đến trực tiếp đưa tin. Điều này tiếp tục mở ra những triển vọng phát triển kinh tế biển, một ngành kinh tế đã được Đảng, Nhà nước xác định là mang tính chiến lược, không chỉ với mục đích kinh tế mà còn là chiến lược bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biển đảo Việt Nam, một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Không phải bây giờ, ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 20 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương. Nghị quyết cũng xác định, phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…

Để hiện thực hóa chủ trương này, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế biển, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách tài chính, tín dụng, tìm kiếm thị trường cho các ngành kinh tế biển. Mới đây, khi chủ quyền biển đảo bị thách thức, hàng loạt những chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi, bám biển đã được thực hiện… Tất cả đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chiến lược về biển của chúng ta.

Trở lại câu chuyện cá ngừ đại dương sang Nhật, để có được những lô hàng sang thị trường khó tính này, bà con ngư dân của chúng ta đã phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đánh bắt theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. 100 con cá ngừ đại dương được đánh bắt về, cũng chỉ vẻn vẹn có 7 con bảo đảm tiêu chuẩn để xuất khẩu. Tuy nhiên, sự kiện này lại thu hút các hãng truyền thông lớn của thế giới đến đưa tin, cho thấy đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định ngư dân Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới để phấn đấu vươn lên, góp sức đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước trở nên hùng cường.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên