Khi các nhà ngoại giao Mỹ hành xử phi ngoại giao

Cập nhật: 18-06-2018 | 15:25:14

Tổng thống Donald Trump được mệnh danh là người đi đầu trong việc làm đảo lộn các chuẩn mực ngoại giao truyền thống vốn đã định hình nền ngoại giao nổi tiếng của nước Mỹ trong nhiều thập niên qua. Nay đến lượt các đại sứ Mỹ mới được bổ nhiệm mang chủ nghĩa dân tộc kiểu Mỹ, phiên bản Trump, đến nhiều nước, kể cả các quốc gia đồng minh thân cận, đi ngược lại các quy tắc, thông lệ ngoại giao quốc tế, khiến các đồng minh bực mình.

Ngay đầu tháng 6-2018, đại sứ mới vừa được bổ nhiệm tại Đức là Richard Grenell đã gây phản ứng mạnh trong dư luận do những phát ngôn, xử sự vượt ra ngoài các quy tắc ngoại giao truyền thống. Tờ Washington Post ngày 5-6 đã viết rằng Đại sứ Grenell chính là người “giương cao ngọn cờ Trump” ngay ngày đầu tiên nhậm chức tại Berlin.

Tổng thống Trump vốn có ác cảm đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel và thành phần chính trị trung dung truyền thống ở châu Âu mà đại diện tiêu biểu là các quan chức ở Berlin và Brussels. Theo tường thuật của Washington Post, Grenell đích thực đã phản ánh đúng chủ trương của “ông chủ”.


Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell.

Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 5-2018, Grenell đã viết trên Twitter lời đe dọa khá gay gắt với các doanh nghiệp Đức, yêu cầu họ phải tôn trọng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sau khi Tổng thống Doanld Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Dòng Twitter đó lập tức gây phẫn nộ trong giới chức cũng như doanh nghiệp ở Đức. Ông Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ đã gằn giọng đáp trả: “Người Đức sẵn sàng lắng nghe, nhưng họ sẽ không chấp nhận những lời chỉ bảo”. Đến đầu tháng 6, Grenell đã đẩy căng thẳng lên cao trào khi trả lời phỏng vấn trang tin điện tử Breitbart vốn chủ trương chính trị cực hữu.

Breitbart có chi nhánh ở châu Âu, đã nhiệt liệt chúc mừng ông Trump khi ông thắng cử năm 2016. Tổ chức này cũng bị phê phán là gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng đối với người nhập cư và Hồi giáo, đồng thời thường xuyên đả kích Thủ tướng Đức Merkel. Và Grenell đã nói với trang tin Breitbart: “Tôi hoàn toàn muốn tăng cường sức mạnh cho những người bảo thủ khác ở châu Âu”.

Thậm chí ông còn tuyên bố việc ông Trump đắc cử tổng thống đã đặc biệt “tăng sức mạnh cho những cá nhân và người dân” để họ lay chuyển các truyền thống cũ kỹ của châu Âu. Peter Beyer, điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức cho rằng thời điểm hiện nay là lúc Mỹ và châu Âu cần đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung, và mong muốn ông Grenell giải thích rõ điều mình nói, ý mình muốn nói.

Tuy nhiên, Grenell tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ phát ngôn của mình bất chấp sự phản đối của nước sở tại, thể hiện tinh thần “nước Mỹ trên hết”. Một số ý kiến quan chức ngoại giao tại Đức đã phê phán Grenell làm hỏng quan hệ giữa Mỹ với Đức và châu Âu, trong khi nhiệm vụ của ông là giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ đó.

Trong ngoại giao quốc tế, các nhà ngoại giao, những người đại diện cho quốc gia mình tại các quốc gia khác, hay các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, buộc phải đứng ở lập trường trung lập, khách quan, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại, không đứng cùng đảng phái chính trị nào và chống lại đảng phái chính trị còn lại nhằm bảo đảm sự đối xử công bằng.

Nhưng các vị đại sứ Mỹ tại Đức, Israel và Hà Lan đã hành xử vượt ra ngoài các quy tắc ngoại giao truyền thống, thể hiện lập trường quan điểm chính trị một phía, đặc biệt là đã cổ vũ cho phong trào chính trị hữu khuynh, dân túy đang chống lại các chính phủ ở châu Âu, chống lại các giá trị, thể chế, định chế hiện hữu, kể cả sự toàn vẹn của châu Âu, vì vậy có nguy cơ gây nên tình trạng bất ổn chính trị cho các quốc gia sở tại.

Cũng vào đầu tháng 6, Đại sứ Mỹ tại Israel David M. Friedman đã nói với một tờ báo Israel rằng “không có gì phải nghi ngờ việc đảng Cộng hòa ủng hộ Israel nhiều hơn đảng Dân chủ”. Vài tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Peter Hoekstra đã từ chối trả lời trước “một rừng” phóng viên báo chí yêu cầu ông làm rõ những phát ngôn của ông hồi năm 2015 với nội dung vu khống người Hồi giáo ở Hà Lan đã gây ra những vụ đốt xe và tấn công chính khách. Đại sứ Hoekstra đã phải xin lỗi.


Đại sứ Mỹ tại Israel M. Friedman.

Giới ngoại giao ở Mỹ đưa ra một lý giải cho rằng do gấp gáp bổ nhiệm số lượng đại sứ còn thiếu quá nhiều nên chính quyền của Tổng thống Trump đã tuyển chọn mà thiếu đi sự sàng lọc kỹ lưỡng. Theo tờ New York Times, có đến 1/3 số đại sứ được tuyển chọn bổ nhiệm là vì chính trị, họ chủ yếu là những nhà tài trợ chính trị được “thưởng công”. Đã vậy, họ lại không được huấn luyện nghiệp vụ chu đáo, cẩn trọng, nên dẫn đến tình trạng nhà ngoại giao hành xử không ngoại giao chút nào.

Nhưng dù viện lý do gì thì những tuyên bố, nhận xét mang tính chất chính trị, đảng phái của các đại sứ Mỹ tại nước ngoài không chỉ gây nên làn sóng phẫn nộ ở nước sở tại, mà còn khiến cho chính trị trong nước thêm rối loạn. Ngày càng có nhiều thành viên đảng Dân chủ nổi giận với các phát ngôn, xử sự của các đại sứ mới được bổ nhiệm ở nước ngoài và điều này là nguyên nhân khiến cho việc phê chuẩn bổ nhiệm đại sứ mới tại nước ngoài tại Quốc hội Mỹ trở nên chậm chạp hơn.

Như trường hợp phát ngôn của Đại sứ Friedman với báo Times of Israel là “sai trái, thiếu tế nhị”, thể hiện một sự thiếu chuẩn bị để làm một nhà ngoại giao thích hợp”.

Thậm chí, như trường hợp Đại sứ Grenell, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của đảng Dân chủ nêu quan điểm rằng nếu ông ta “không chịu dừng các phát ngôn mang tính chính trị thì nên triệu hồi ông ta về nước”. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên