Khi điệp viên chống ma túy buôn... ma túy

Cập nhật: 15-10-2013 | 00:00:00

Ba điệp viên thuộc Cơ quan Bài trừ ma túy của Mỹ (Drug Enforcement Administration - DEA) lần lượt bị bắt ở Estonia và Thái Lan vì tội mua bán hêrôin, còn ba nhà ngoại giao bị Chính phủ Venezuela trục xuất vì "có những hoạt động tình báo kinh tế". Đáp lại, Mỹ cũng trục xuất ba nhà ngoại giao Venezuela để trả đũa. Hai vụ này đang làm giới chức an ninh Mỹ đau đầu.

 

Ngày 28-9, tại một họp báo ở New York

luật sư Preet Bharara thông báo

ba điệp viên DEA bị bắt.

Hai người Mỹ là Joseph Manuel Hunter, 48 tuổi, biệt danh Rambo, huấn luyện viên Trường Hạ sĩ quan Mỹ từ năm 2004 và Timothy Vamvakias, 42 tuổi, lính bộ binh tác chiến với cấp bậc hạ sĩ; và một người Đức là Dennis Gogel, 27 tuổi, chuyên gia về bắn tỉa và đã từng được huấn luyện ở trường sĩ quan cách bắn tỉa có hiệu quả nhất - cả 3 gia nhập DEA từ năm 2010 với nhiệm vụ đặc biệt: tham gia các chiến dịch chống buôn lậu ma túy ở hải ngoại. Ba điệp viên DEA bị bắt ngày 27-9 vừa qua, trong khi Hunter bị bắt tại Thái Lan, còn Vamvakias và Gogel bị tóm tại Estonia.

Theo FBI, cả ba đã bị theo dõi từ đầu năm 2013 về cáo buộc tội mua bán hêrôin trong đường dây chuyển lậu ma túy từ Afghanistan về tiêu thụ tại nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Mỹ Latin. Đến giữa tháng 9-2013, FBI đã đẩy nhiệm vụ này lên thành chiến dịch tối mật cần thiết để tóm gọn những kẻ buôn lậu ma túy trong hàng ngũ điệp viên chống ma túy của DEA. Việc này các lãnh đạo DEA tuyệt nhiên không hề hay biết gì. Và cứ thế, bộ phận chuyên trách của FBI âm thầm làm công việc quan trọng của mình để loại ra khỏi hàng ngũ DEA những thành viên bất hảo, cấu kết với mafia để buôn lậu hêrôin.

Không chỉ buôn lậu ma túy, cả ba cũng đã bị cáo buộc hợp đồng với một số trùm buôn lậu vũ khí và ma túy để tổ chức các cuộc ám sát đối thủ với số tiền thù lao không nhỏ. Trong khi Hunter và Vamvakias đã giết hai đối thủ của mafia tại Đức, thì Gogel đã từng dùng súng bắn chết hai trùm buôn lậu khác tại Venice. Mặc dù lãnh đạo DEA đã tổ chức các chiến dịch thanh lọc hàng ngũ DEA tại 3 châu Á, Âu (nhất là EU), Phi và vùng biển Caribbean, nhưng thật kỳ lạ, cả ba điệp viên trên đều lọt lưới, vẫn tiếp tục các hoạt động mua bán ma túy và ám sát cho đến khi bị FBI bắt.

Báo chí EU mô tả Hunter, Vamvakias và Gogel trong quá trình thực hiện tội ác đã có những hành động "lạnh xương sống". Theo FBI, không kể trong các lần vận chuyển ma túy trước đây, số hêrôin mà cả ba buôn lậu bị bắt giữ ngày 23-9 vừa qua vào khoảng 300 kg, được chở trên tàu thủy vào New York cùng với số tiền mặt là 800.000 USD. Sau khi bị lộ, Vamvakias và Gogel nhanh chân trốn đến Estonia, còn Hunter trốn đến Thái Lan và bị bắt giữ.

Ngày 1-10-2013, mặc dù đang căng thẳng với Quốc hội vì dự luật ngân sách tài khóa 2014 không được thông qua khiến một phần chính phủ phải tạm ngưng hoạt động, Tổng thống Barack Obama vẫn  bật đèn xanh cho Bộ Ngoại giao ra lệnh trục xuất 3 nhà ngoại giao Venezuela gồm: Calisto Ortega Rios - Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Washington, Monica Alejandra Sanchez Morales và Tổng lãnh sự Marisol Gutierrez de Almeida tại Lãnh sự quán thành phố Houston. Chắc chắn đây là vụ trả đũa việc 3 nhà ngoại giao Mỹ vừa bị Venezuela trục xuất. Lý do để trục xuất là "hoạt động không phù hợp" - thứ ngôn ngữ ngoại giao ám chỉ làm gián điệp khi đội lốt cán bộ ngoại giao.

 Ngày 30-9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bốtrục xuất ba nhà ngoại giao Mỹ vì cho rằng làm gián điệp kinh tế.

Trước đó, vào ngày 30-9-2013, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố trục xuất 3 nhà ngoại giao Mỹ gồm đại biện lâm thời (và là quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp nhất hiện nay tại Caracas) Kelly Keiderling, cùng  David Moo và Elizabeth Hoffman. Tổng thống Maduro nói ông có bằng chứng cho thấy 3 nhà ngoại giao Mỹ đã tham gia một vụ phá hoại lưới điện vào tháng 9/2013. Tổng thống Maduro đã nói về quyết định trục xuất 3 nhân vật này trong một buổi lễ tại thành phố Santa Ana với sự giận dữ chưa từng có: "Cút khỏi Venezuela ngay! Yankees cút đi! Xúc phạm danh dự của dân tộc yêu hòa bình chúng ta như thế là quá đủ rồi!".

Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đã không lấy gì làm tốt đẹp trong hơn một thập niên qua. Tháng 12-2010, cố Tổng thống Chavez đã bác thị thực đối với người được Washington bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Caracas - ông Larry Palmer, vì ông này đã đưa ra một số bình luận về quan hệ giữa Chính phủ Venezuela và phe nổi dậy FARC ở Colombia. Đáp lại, Mỹ trả đũa bằng việc trục xuất Đại sứ Venezuela ở Washington.

Căng thẳng ngoại giao lên đến đỉnh điểm vào năm 2010 khi cả Mỹ lẫn Venezuela đều đã rút cấp đại sứ từ năm 2010 cho đến nay, tuy vẫn để sứ quán tại mỗi nước của nhau nhưng không có đại sứ và hai bên đã từng tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao của nhau cũng bởi lý do làm gián điệp. Ngày 3-3-2013, tức là chỉ trước 2 hôm Tổng thống Chavez qua đời, Venezuela cũng đã trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ được cho là đã có âm mưu cùng hành động làm bất ổn tình hình Venezuela trong khi Chavez đang ốm thập tử nhất sinh. Để trả đũa, ngày 10-3-2013, Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Venezuela là Orlando Jose Montanez Olivares, Victor Camacaro Mata và ngay lập tức, cả hai trở về nước trong cùng ngày.

Gần đây nhất vào ngày 26-9-2013, ông Maduro đã hủy kế hoạch phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với lý do tính mạng của ông bị đe dọa ở New York

Theo cand.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên