Khi người dân “bấm nút” làm thủ tục hành chính

Cập nhật: 06-02-2021 | 20:28:47

Đã qua rồi cái thời “ghi ghi chép chép” khi làm thủ tục hành chính (TTHC), thay vào đó, người dân, tổ chức đến Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” các cấp của tỉnh đều “bấm nút” để thực hiện. Tất cả các TTHC giờ đây đã chuyển đổi số, giải quyết theo quy trình ISO nhanh chóng.

Công bố dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Hành chính công, một trong những giải pháp tạo tiền đề xây dựng chính quyền số

Người dân hồ hởi, khen ngợi

Khi đến Trung tâm Hành chính công tỉnh làm TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp, anh Lê Văn Sơn, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, rất bất ngờ và khen ngợi: “Đến đây làm giấy tờ thấy thoải mái lắm, không phải chờ đợi và đi lại nhiều lần như trước đây nữa”. Anh Sơn làm TTHC xong, chọn thanh toán không dùng tiền mặt và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ công ích được triển khai tại trung tâm.

Nhiều người dân khi đến làm TTHC tại trung tâm đều khen ngợi cách giải quyết TTHC theo thời công nghệ số. Nhiều người bất ngờ không rõ đều được cán bộ tại đây hướng dẫn tận tình cách gửi hồ sơ mức độ 3, mức độ 4. Bà Lê Ánh Tuyết, ngụ phường An Thạnh, TP.Thuận An, cho biết: “Tôi đến trung tâm được cán bộ hướng dẫn tận tình cách làm TTHC và gửi hồ sơ qua mạng. Sau đó, tôi đóng lệ phí điện tử và nhận kết quả tại nhà sau 7 ngày”.

Tại bộ phận “một cửa” cấp huyện, người dân được hướng dẫn cách xử lý hồ sơ qua mạng rất tiện ích và chỉ đến một lần để tìm hiểu, nhất là các TTHC liên thông, TTHC mức độ 3, mức độ 4. Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết TP.Thuận An đang áp dụng trên địa bàn dịch vụ công mức độ 3 cho 46 TTHC; triển khai tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tuyến qua điện thoại di động tại ứng dụng “Thuận An trực tuyến”; thực hiện việc thanh toán các khoản phí, lệ phí qua máy POS được bố trí tại bộ phận một cửa... Tất cả điều này đều hướng về nhân dân phục vụ, phù hợp với xu thế phát triển thời công nghệ số, xây dựng chính quyền số ở Bình Dương.

Nhiều tiềm lực trong xây dựng chính quyền số

Những lời khen ngợi của người dân, tổ chức như tiếp sức cho chính quyền các cấp ở Bình Dương xây dựng chính quyền phục vụ, bởi mục đích cuối cùng của xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là phục vụ lợi ích người dân, tổ chức, nhất là trong công tác giải quyết TTHC. Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết đến nay, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Cụ thể về hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ. Tỉnh xây dựng được 2 trung tâm dữ liệu cho chính quyền điện tử và hạ tầng truyền dẫn của mạng TSLCD phủ đến cấp xã; 100% cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại. Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động với trên 6.900 hộp thư 5GB đã cấp; 94% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 tại 13 điểm cầu cấp tỉnh, tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã; đã mở rộng giai đoạn 2 để phủ đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 110 điểm cầu.

Người dân đến Trung tâm Hành chính công được hướng dẫn cách “bấm nút” giải quyết TTHC

Ông Lai Xuân Thành cho biết thêm, để hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trước năm 2025, sở sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước. Chìa khóa quyết định chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng…

Cùng với đó là các giải pháp đưa vào vận hành chính thức các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến đã triển khai thí điểm tại Trung tâm Hành chính công. Đến cuối năm 2021, sẽ đạt 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xây dựng các hệ thống chứng thực điện tử theo Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Song song đó là chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Tất cả những giải pháp này sẽ giúp Bình Dương nhanh chóng xây dựng chính quyền số, giải quyết TTHC cho người dân thời 4.0.

“Yếu tố con người trong công tác cải cách hành chính là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác cải cách hành chính từng ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp”.
(Ông Lý Văn Đẹp,Phó Giám đốc Sở Nội vụ)

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên