Khi siêu thị chung tay tiêu thụ hàng Việt

Cập nhật: 16-11-2018 | 06:01:10

Hiện nay, với tỷ lệ hàng hóa Việt Nam chiếm từ 70 - 95%, siêu thị (ST), trung tâm thương mại vẫn là kênh phân phối hàng Việt hiệu quả, qua đó góp phần gia tăng doanh thu của các nhà sản xuất trong nước và ST.

 Hợp tác phát triển hàng Việt

Theo đại diện hệ thống Big C, khách hàng chuộng hàng Việt vì chất lượng ổn định, giá cả hợp lý và quen thuộc với người tiêu dung trong nước. Hiện tại, Big C dành riêng khu vực trưng bày cho các sản phẩm địa phương và những sản phẩm trong danh sách hơn 40 doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng hỗ trợ phát triển của Tập đoàn Central Group Việt Nam. Các sản phẩm địa phương đang bày bán tại Big C Bình Dương như mứt chuối phồng Tư Bông (Đồng Tháp), nem chua Thanh Xuân (Đồng Tháp)… Thời gian qua, Big C còn thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm Việt với các chương trình như: Hàng Việt trong tim người Việt, tuyệt vời ẩm thực Việt, Tự hào sản phẩm Việt…

 Khách hàng mua hàng Việt tại siêu thị Lotte Mart Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Chị Nguyễn Ngọc Anh, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết hầu hết các đồ dùng trong gia đình chị hiện nay đều là hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Hàng nội địa chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đẹp, giá phù hợp... là những lý do chị tin dùng hàng Việt.

Theo lãnh đạo ST Co.op Mart Bình Dương, sau 7 năm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hệ thống Co.op Mart đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược nội địa hóa nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Song song đó, Co.op Mart còn là cầu nối thông tin từ phía người tiêu dùng và phản hồi thông tin ngược lại nhà sản xuất để các doanh nghiệp địa phương nắm được thông tin, có định hướng cải tiến sản xuất, phát triển sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng cũng như bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ hàng Việt trong các ST hiện nay đạt trên 70%, đặc biệt một số ST như Co.opmart, Big C, VinMart… tỷ lệ hàng Việt chiếm 90%. Tại Bình Dương, năm 2017, tỷ lệ hàng Việt tại các ST trên địa bàn tỉnh đạt 85%. Đánh giá chung của đại diện các ST, trung tâm thương mại cho thấy, mức tiêu thụ hàng Việt Nam của người tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ được đánh giá là khá tốt.

Ông Vũ Thanh Tân, phụ trách truyền thông hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, cho biết với hệ thống phân phối rộng lớn trên toàn quốc; với cam kết “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, thời gian qua Big C và Central Group Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ, hợp tác với nhà cung cấp và nhà sản xuất nội địa nhằm đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Big C cũng nỗ lực phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt tại thị trường nội địa, hỗ trợ hàng Việt tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan.

Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam thì cho rằng Lotte Mart luôn ưu tiên hợp tác phát triển hàng Việt. Đến nay, đã có hơn 95% hàng Việt Nam được trưng bày giới thiệu và bày bán tại ST. Bên cạnh đó, hàng Việt còn được ST quảng bá, xuất khẩu sang hệ thống Lotte Mart ở các nước, cũng như xúc tiến xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường tiềm năng trong khu vực. Cũng theo bà Ngọc, hỗ trợ hàng Việt còn được mở rộng sang hình thức hợp tác cùng phát triển gam hàng nhãn riêng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể là năm 2016, Lotte Mart cho ra mắt dòng sản phẩm Choice L - là sự liên kết hợp tác giữa Lotte Mart và các nhà cung cấp trong nước thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất, thiết kế lại bao bì nhưng vẫn bảo đảm nguyên vẹn chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất. Trong thời gian tới, Lotte Mart sẽ tiếp tục tìm kiếm, ưu tiên hợp tác phát triển hàng Việt, tạo nhịp cầu và là đối tác đáng tin cậy để hàng Việt vươn xa.

Doanh nghiệp sản xuất cần chủ động

Theo các chuyên gia, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng nhằm cung cấp hàng hóa đúng nhu cầu; chủ động tiếp cận để người tiêu dùng biết, hiểu, chấp nhận và tin dùng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng một cách sâu rộng, trước hết doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng.

Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc ST Co.op Mart Bình Dương, cho rằng các yếu tố giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng và tạo chỗ đứng trên thị trường chính là sự đa dạng về mẫu mã chủng loại hàng hóa; cùng với đó bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá cả phải phù hợp với các tiêu chí chất lượng đưa ra; dịch vụ chăm sóc khách hàng và đặc biệt người tiêu dùng phải dễ tiếp cận với sản phẩm. Trong thành công này không thể thiếu sự chung tay của các nhà phân phối, trong đó chủ lực vẫn là các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Còn đại diện hệ thống ST Lotte Mart cho hay, thông qua các chương trình, hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam hay chương trình kết nối cung cầu… đều tạo nên sự kết nối hoàn hảo, tạo ra hệ sinh thái kinh doanh cùng nhau phát triển sản xuất, phân phối hàng Việt Nam có thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp hiệu quả hơn phòng chống hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp, nhà phân phối.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên