Khiếu nại về cái chết của chị Nguyễn Thị Cẩm Ngon (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An): Cán bộ y tế có làm đúng quy trình?

Cập nhật: 22-08-2016 | 09:04:48

Cho rằng cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa (PKĐK) khu vực Vĩnh Phú (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) và bác sĩ trực của Trung tâm Y tế (TTYT) TX.Thuận An đã tắc trách trong quá trình cấp cứu, dẫn đến cái chết của vợ mình là chị Nguyễn Thị Cẩm Ngon (KP.Trung, phường Vĩnh Phú), chồng chị Ngon đã khiếu nại sự việc đến nhiều cơ quan chức năng.

 PKĐK khu vực phường Vĩnh Phú, nơi tiếp nhận cấp cứu bước đầu cho BN Nguyễn Thị Cẩm Ngon

 Người nhà bức xúc!

Anh Trần Ngọc Vinh, chồng chị Ngon, cho biết năm 2014, chị Ngon bị bệnh nhược cơ, u tuyến ức nhưng chữa trị ở nhiều bệnh viện (BV) vẫn không khỏi. Sau đó, chị Ngon nhập viện BV Chợ Rẫy và được chẩn đoán, phẫu thuật lấy khối u và điều trị. Suốt 2 năm qua, bệnh nhân (BN) được BV Chợ Rẫy chỉ định hàng tháng phải đến BV tái khám. “Trong quá trình chăm bệnh, tôi biết vợ tôi thường có triệu chứng đàm dịch từ phổi dâng lên chèn đường thở. Khi điều trị, BV phải thường hút đàm dịch, cho ống khí quản để bơm oxy”, anh Vinh cho biết.

Theo anh Vinh, lúc 22 giờ 20 phút tối 3-8-2016, chị Ngon có biểu hiện bệnh cũ tái phát nên gia đình liền chở đến PKĐK khu vực Vĩnh Phú yêu cầu hỗ trợ xe đưa đến cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, theo anh Vinh, sau đó xe cấp cứu đã chở vợ mình đến TTYT TX.Thuận An và tiếp tục sơ cứu khiến thời gian “vàng” bị kéo dài và dẫn đến hậu quả là vợ anh tử vong.

Thực hiện đúng quy trình

Trước sự bức xúc của gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Ngon, P.V đã có buổi làm việc với các y, bác sĩ PKĐK khu vực phường Vĩnh Phú và TTYT TX.Thuận An để làm rõ sự việc. Qua trao đổi, cán bộ Nguyễn Thị Hòa cho biết, khi người nhà chở BN đến cấp cứu thì tình trạng rất nguy kịch: Da xanh tím, mạch ngoại vi không rõ, tay chân lạnh, môi niêm tái nhợt… người bệnh vật vã ngồi không vững, nói không được, vã mồ hôi nhiều. “Lúc này, chúng tôi cho BN thở oxy và gọi điện ở tuyến trên xin xe cấp cứu. Khi chúng tôi cắm dịch truyền giữ ven thì người nhà không đồng ý, đòi lên BV Chợ Rẫy. Nhưng tôi vẫn kiên quyết tìm ven, cắm đường truyền giữ ven cho người bệnh. Đồng thời giải thích cho người nhà tình trạng của BN rất nặng, không thể đi lên BV Chợ Rẫy được mà phải đi đến BV tuyến gần nhất. Do tình trạng BN quá nặng, chúng tôi không thể làm khác”, chị Hòa cho biết.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, người trực chính tại phòng cấp cứu TTYT TX.Thuận An tối 3-8- 2016, cho biết: “Từ khi nhận được điện thoại của PKĐK khu vực Vĩnh Phú, BS đã đề nghị xe cứu thương đến phòng khám này ngay. Qua điện thoại với tuyến dưới, chúng tôi biết được tình trạng của BN rất nặng nên đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều dụng cụ y tế để cấp cứu bệnh nhân. Lúc đầu mọi việc cấp cứu BN đều thuận lợi. BN đang cải thiện dần sức khỏe, da niêm hồng, tri ấm, mạch quay rõ, sPO2 tăng lên thì người nhà xuất hiện và gây khó khăn, không hợp tác và cản trở BS đang làm nhiệm vụ. Người nhà lớn tiếng buộc chúng tôi phải chuyển BN đến BV Chợ Rẫy gấp, mặc dù tôi đã cố gắng giải thích cho người nhà, nhưng họ không đồng ý và không cho làm can thiệt thủ thuật nào khác trên người bệnh. Cuối cùng chúng tôi phải cho người nhà ký tên cam kết và cho chuyển BN lên BV Chợ Rẫy (lúc này BV yêu cầu người nhà đi đóng tiền xe nhưng người nhà không đóng. BS và điều dưỡng không có thái độ phiền hà gì mà còn nhanh chóng chuyển viện theo yêu cầu của người nhà). Trong khi chuyển viện, điều dưỡng ngồi sát bên BN quan sát và vẫn cho BN thở oxy qua mask, mang theo bóng giúp thở. Đến cổng BV Chợ Rẫy thì BN tăng tiếp đàm, điều dưỡng tiến hành cấp cứu trên xe, móc đàm nhớt, bóp bóng, xoay tim ngoài lồng ngực và tiếp tục cấp cứu khi vào BV Chợ Rẫy. Nhưng chẳng may, BN không qua khỏi”.

Trao đổi với P.V về vụ việc trên, bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc TTYT TX.Thuận An, cho biết: “Qua khiếu nại của gia đình, những ngày qua, tôi đã triệu tập cán bộ PKĐK Vĩnh Phú và đội ngũ y, BS trực viết tường trình sự việc. Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp bàn với tất cả các BS có chuyên môn trước trường hợp này để tìm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Nguyễn Thị Cẩm Ngon. Đồng thời lập báo cáo, gửi Sở Y tế để giải trình sự việc. Qua làm việc, chúng tôi thấy rằng việc sơ cấp cứu của 2 cán bộ trực tại PKĐK phường Vĩnh Phú là đúng quy trình, đúng trách nhiệm. Đứng trước trường hợp cấp cứu một BN nặng như thế, cán bộ PKĐK sơ cấp cứu bước đầu và chuyển lên tuyến gần nhất mới có hy vọng cứu sống BN. Ê kíp trực tại TTYT TX.Thuận An đêm hôm đó đã làm hết trách nhiệm của mình. Lẽ ra nếu không gặp sự phản đối quyết liệt từ phía người nhà BN thì trường hợp này phải chuyển lên BV Đa khoa tỉnh để tiếp tục cấp cứu”.

Trả lời P.V về việc người nhà khi đưa BN đến PKĐK cấp cứu và xin xe cấp cứu chuyển thẳng đến BV Chợ Rẫy ngay lập tức được hay không? Bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương cho biết thêm: “Nếu trường hợp BN đưa vào cấp cứu mà sức khỏe vẫn ổn định, không có dấu hiệu nguy kịch, đồng thời cán bộ phòng khám điện thoại nói rõ trường hợp bệnh tình của BN cho phía TTYT TX.Thuận An thì chúng tôi cho chuyển viện”.

 Q.TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên