Khó khăn nào cũng không lùi bước

Cập nhật: 23-01-2015 | 08:18:02

Chiến tranh lùi xa nhưng những hy sinh, mất mát vẫn còn đâu đó. Nó hiển hiện trong ánh mắt những người mẹ hàng đêm trông ngóng tin con, trong trái tim người vợ chờ chồng… Vượt qua bao nỗi đau, những người mẹ, người vợ ngày ấy đã không gục ngã mà tiếp tục nuôi giấu cán bộ cách mạng, dạy bảo con cháu thành tài.

 Một lòng theo cách mạng

 Cả cuộc đời mẹ chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, nhưng lúc nào mẹ cũng lạc quan, luôn từ tốn trong từng câu chuyện kể về quá khứ đầy tự hào. Đó là những ấn tượng sâu sắc mà chúng tôi cảm nhận được từ mẹ Trần Thị Nên (SN 1937, ấp Xóm Mới, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng), vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Mẹ Nên kể: “Trong thời chiến, bom đạn của giặc trút xuống như mưa, nhưng người dân Thanh An vẫn kiên quyết bám trụ và một lòng theo cách mạng, che giấu và ngầm tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhà mẹ cũng như những nhà khác, chồng mẹ ông Nguyễn Văn Thành (hay còn gọi là ông Thống), tham gia cách mạng từ năm 1959, ngay khi mẹ mới sinh đứa con gái đầu lòng được hơn 1 tháng tuổi”.

Tham gia Ban Kinh tài huyện Dầu Tiếng được một thời gian, ông Thống chuyển về Ban Kinh tài xã Thanh An công tác. Với chức vụ Trưởng ban Kinh tài xã, ông Thống đã vận động bà con ủng hộ lương thực, đạn dược cho cách mạng, lập nhiều chiến công, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Một mình mẹ ở nhà tần tảo nuôi con và nhiều lần bị bọn tay sai của giặc tra khảo bằng cách đổ vào miệng nào là xà phòng, nước mắm, nào là những trận đòn thừa chết thiếu sống, nhưng tin vào cách mạng, tin vào lý tưởng của chồng, mẹ một mực không khai và còn âm thầm tiếp tế cho bộ đội đang ẩn nấp trong rừng.

Vào tháng 11-1969, ông Thống và các đồng đội đã hy sinh trong trận biệt kích của địch tại rừng Xóm Mới. Nhìn thấy chồng bị giặc phơi xác thị dân, mẹ Nên đành “nuốt nước mắt vào trong” để che mắt địch và tiếp tục nuôi dạy các con khôn lớn và động viên họ lên đường nhập ngũ.

Với tuổi xuân phơi phới, sức trẻ đầy nhiệt huyết, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1958) đứa con gái đầu lòng của mẹ đã trút hơi thở cuối cùng trong một trận rải bom B52, tại ấp Cỏ Trách, khi đang cùng các thanh niên trong xã xuống đường ủng hộ cách mạng vào tháng 9-1972. Nhặt xác con về chôn mà lòng mẹ như chết lặng. Nỗi đau mất chồng, mất con càng khiến lòng mẹ căm thù giặc nhiều hơn, mẹ tiếp tục vận động mọi người lén giã gạo, nấu cơm, rồi khéo léo che giấu trong từng gánh củi, chuyến xe bò để chuyển đến tận tay các anh.

Thời gian trôi qua, nỗi đau của mẹ đã dần vơi, thay vào đó là niềm vui được sống trong cảnh thanh bình, đất nước hoàn toàn độc lập. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ được an ủi nhiều hơn khi đứa con gái út - Nguyễn Thị Điểm (SN 1965) cũng đã có gia đình và có cuộc sống ổn định, gia đình mẹ được UBND tỉnh tặng bằng khen “Gia đình cách mạng tiêu biểu, gương mẫu”. “Mẹ rất vui khi chứng kiến sự tiến bộ, phát triển, giàu đẹp của quê hương đất nước; các thế hệ con cháu luôn tưởng nhớ đến sự cống hiến của gia đình, quan tâm, thăm hỏi, động viên mẹ lúc tuổi cao sức yếu”, mẹ cho biết.

Rời ấp Xóm Mới, chúng tôi nhớ mãi nụ cười hiền hậu trên gương mặt của mẹ Nên. Trong lòng ai cũng thầm cầu mong, mùa xuân này sẽ mang đến nhiều niềm vui, sức khỏe cho mẹ, cho những người đã phải chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh.

 Sống giữa niềm vui

 Trong căn nhà gạch thoáng mát tại ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi được gặp, nghe mẹ Trần Thị Lùng (SN 1931) tự hào kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Những câu chuyện về lòng can đảm, hy sinh của ông, cô, chú, bác trong gia đình suốt 2 cuộc kháng chiến được mẹ kể bằng giọng hào hùng. Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng những ký ức ngày xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của mẹ.

Gia đình mẹ có 2 người con ruột Trần Thị Gái, Trần Văn Dũng và 1 người con nuôi Phạm Văn Đục. Cuộc sống khó khăn nhưng mẹ Lùng vui vì thấy các con mỗi ngày khôn lớn, nên người. Mẹ Lùng kể lại, người con nuôi của mẹ Phạm Văn Đục luôn nói “công sinh không bằng công dưỡng” nên anh dành tất cả lòng kính trọng cho mẹ. Anh Đục rất ngoan, hiền luôn phụ mẹ từ việc đồng áng đến chăm sóc các em. Ngày đêm sống trong cảnh “mưa bom bão đạn”, anh mong muốn góp công, sức giúp quê hương giành lấy hòa bình, tự do. Năm 18 tuổi, anh xin mẹ thoát ly vào rừng hoạt động cách mạng. Năm 1971, đội du kích xã Bình Mỹ, trong đó có anh Đục đã cương quyết ngăn cản cuộc bầu cử Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Anh Đục bị trúng đạn, hy sinh ngay trên đất Bình Mỹ. Gia đình, đồng đội chôn cất anh tại khu nghĩa trang xã Bình Mỹ. Ở đây, anh được gần ông bà nơi chín suối, bản thân mẹ cũng tiện đường đi thăm con.

Là một người phụ nữ, ai cũng mong khi có gia đình và được sống hạnh phúc trọn vẹn bên chồng, con. Thế nhưng, gạt đi tất cả niềm vui riêng, mẹ “tiếp sức” để chồng hoạt động cách mạng. Một mình mẹ vừa chăm sóc con, vừa tiếp tế lương thực cho bộ đội trong vùng. Mẹ nói, chồng ít khi về nhà nhưng mỗi lần về ông đều ôm các con vào lòng dặn dò chăm ngoan, cố gắng học tập nên người. Với vợ mình, ông ân cần chia sẻ những vất vả mà mẹ phải thay chồng gánh vác.

Ngày tiễn chồng, con vào đơn vị, mẹ hy vọng, chờ đợi đất nước hòa bình, gia đình đoàn viên. Thế nhưng, mong muốn đó không thành khi người con trai anh dũng hy sinh. Một năm sau (1972), mẹ tiếp tục nhận được hung tin, chồng hy sinh trên đường đi công tác từ Đồng Nai về Tân Uyên. Chồng mẹ cùng đồng đội đã đánh trả sự bao vây của địch nhưng không thành, ông hy sinh, đồng đội chỉ kịp chôn cất sơ sài dưới gốc cây. Về sau, đồng đội báo địa điểm để gia đình tìm hài cốt nhưng vẫn không tìm được. Anh Trần Văn Dũng, con trai mẹ nói: “Lúc ba hy sinh tôi chỉ được 12 tuổi. Tôi đòi đi tìm ba nhưng mẹ cản lại. Mẹ nhắc nhở chị em tôi phải giữ kín chuyện anh, ba mất vì địch luôn theo dõi gia đình mình, tìm cớ để bắt tù đày. Tối hôm ba mất, mẹ con tôi chỉ biết ngồi bên nhau trong bóng tối để tưởng nhớ về ba”.

Chồng con hy sinh nhưng địch vẫn không để mẹ yên, chúng ngày đêm tìm đến nhà hù dọa. Chúng bắt nhốt mẹ suốt 1 tháng để tra khảo. Mẹ tự nhủ, khi còn là con gái, nhiều khi đối mặt với cái chết, mẹ không hề sợ. Giờ đây trước những đòn roi, lời hù dọa cũng sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần mẹ. Trước sự cương quyết của người phụ nữ đất Bình Mỹ, chúng đành phải trả mẹ về với gia đình.

Những năm tháng chiến tranh đi qua, nỗi đau mất chồng, con cũng vơi đi phần nào khi gia đình luôn rộn ràng tiếng cười nói của con cháu. Mẹ hạnh phúc sống trong tình yêu thương, kính trọng của con cháu. Mẹ tự hào khoe, mẹ còn 2 con, 9 đứa cháu. Các cháu mẹ đứa nào cũng chịu khó học tập, có công ăn việc làm ổn định. Giờ đây, điều mẹ mong muốn đó là các con, các cháu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình để góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

 MINH HIẾU - THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên