Xây dựng hình ảnh người bán hàng văn minh:

Khó thực hiện nếu không có sự hợp tác của người bán hàng

Cập nhật: 06-02-2015 | 10:05:02

Từ ngày 1-1-2015, những hộ kinh doanh thức ăn đường phố (TAĐP) không chấp hành quy định đeo găng tay, khẩu trang, mang tạp dề, đội mũ chụp tóc… sẽ bị xử phạt. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, việc xử phạt vi phạm sẽ áp dụng theo quy định về thực hành an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

 Những người kinh doanh thức ăn đường phố không mang bảo hộ lao động sẽ bị xử phạt theo quy định Ảnh: C.LÝ

Qua hơn 1 tháng quy định trên có hiệu lực, theo ghi nhận của chúng tôi tại các cơ sở kinh doanh TAĐP việc chấp hành các quy định trên của người kinh doanh thức ăn còn rất thờ ơ và chỉ mang tính chất đối phó. Rất hiếm khi nhìn thấy hình ảnh một người vừa đeo khẩu trang, găng tay, vừa đội mũ chụp tóc, mang tạp dề đầy đủ. Hiếm lắm mới thấy một vài người đeo găng tay, khẩu trang nhưng rồi khẩu trang cũng bị kéo trễ xuống mũi. Giải thích điều này, nhiều người kinh doanh nói rằng, đứng cạnh nồi nước lèo nghi ngút khói đã toát hết mồ hôi, đeo khẩu trang bịt mũi lại làm sao mà thở nên họ chỉ đeo hờ cho có vậy thôi. Thế mới nói, quy định trên rất khó thực hiện nếu không có sự “hợp tác” từ phía người kinh doanh. Nếu người kinh doanh vẫn chưa ý thức được đâu là bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng thì thực trạng trên sẽ vẫn tiếp diễn.

Việc truyền thông cải thiện hành vi an toàn thực phẩm nhằm thay đổi hình tượng người kinh doanh TAĐP, thúc đẩy các hành động tích cực bảo đảm an toàn thực phẩm cho khách hàng của người kinh doanh TAĐP. Tuy nhiên, đa số các đối tượng kinh doanh TAĐP không chấp hành việc sử dụng trang phục bảo hộ lao động (mũ chụp tóc, khẩu trang, găng tay, tạp dề) trong lúc kinh doanh thực phẩm hoặc chỉ sử dụng cho có lệ.

Để khắc phục vấn đề này, bác sĩ Hùng cho biết, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền và chiến dịch tuyên truyền cải thiện hình ảnh người kinh doanh TAĐP. Chi cục cũng đã xây dựng các mô hình điểm ở những khu vực, xã trọng điểm để thực hiện, nhân rộng ra toàn tỉnh và sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh TAĐP hiện nay vẫn đang trong giai đoạn tuyên truyền, nâng cao ý thức đối với các đối tượng kinh doanh và áp dụng hình thức nhắc nhở là chủ yếu. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm TAĐP theo Nghị định 178/013/NĐCP của Chính phủ quy định xử phạt về lĩnh vực an toàn thực phẩm”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng nói.

Theo quy định, việc xử phạt đối với hành vi sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt theo một trong các mức sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với vi phạm dưới 10 người; phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với vi phạm từ 10 người đến dưới 20 người; phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 20 người đến dưới 100 người; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 100 người đến dưới 500 người; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 500 người trở lên.

 

 CẨM LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên