Khổ vì tin nhắn rác... 

Cập nhật: 11-05-2015 | 08:57:45

Tháng 12-2014, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Chỉ thị 82/CT-BTTTT yêu cầu các đơn vị và doanh nghiệp triển khai ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên, tin nhắn rác không những không thuyên giảm mà có chiều hướng “hoành hành” dữ dội, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc để đem lại sự hài lòng cho người sử dụng điện thoại di động.

 

 Nhiều hình thức lừa đảo

Cầm chiếc điện thoại trên tay, chị Đoàn Thị Mỹ (khu phố 1, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) bức xúc vì không kể ngày hay đêm nhiều lần chị bị “khủng bố” bởi những tin nhắn rác với các nội dung khác nhau như: Bất động sản, bán sim số, bói toán… Chị Mỹ nói, nhiều lúc đang chờ tin nhắn công việc, nghe tiếng chuông tin nhắn, tưởng tin nhắn mình đang cần nhưng cuối cùng là các tin nhắn rác. Những lúc đó, chị rất bực và mong các ngành chức năng xem xét để hạn chế thấp nhất tin nhắn rác liên tục “dội bom” vào điện thoại di động của người dùng.

 Tin nhắn rác “khủng bố” người sử dụng điện thoại di động (ảnh minh hoạ)

Không chỉ có những tin nhắn rác với nội dung gây phiền toái, người sử dụng điện thoại còn nhận được những tin nhắn kêu gọi tham gia quay số trúng thưởng, tặng nhạc, yêu cầu gọi lại… Nhận được những tin nhắn này, nếu người dùng thực hiện theo “hướng dẫn”, tức là gọi lại, nhắn tin trả lời sẽ bị mất tiền trong tài khoản mà không hề hay biết. Đến khi kiểm tra lại tài khoản (với thuê bao trả trước) hay cuối tháng xem bảng tính cước (với thuê bao trả sau) người dùng mới phát hiện cuộc gọi bị tính cước.

Chị Trần Ngọc Phượng, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một cũng từng là “nạn nhân” của tin nhắn lừa đảo. Chị nhận được tin nhắn: “Em bị mất điện thoại, gọi lại cho em nha”, thấy nội dung tin nhắn, chị hốt hoảng gọi xem ai và bị trừ 15.000 đồng trong tài khoản. Chị Lương Ngọc Hà (TP.Thủ Dầu Một) thì bị mất tiền “oan” khi thực hiện theo tin nhắn: “Bạn là số thuê bao may mắn được nhận một chiếc xe Liberty của chương trình tri ân khách hàng, gọi lại để xác nhận thông tin với nhân viên…”. Đọc xong tin nhắn chị liền gọi lại để hoàn thành hồ sơ nhận thưởng thì được báo “tài khoản quý khách không đủ để thực hiện cuộc gọi này”, trong khi đó chị mới nạp card điện thoại mệnh giá 50.000 đồng.

Nhận định của ông Huỳnh Đình Thiện, Chánh Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương, nguyên nhân tin nhắn rác phát triển là quảng bá bằng tin nhắn rác có mức chi phí thấp, độ lan tỏa rộng so với các hình thức khác. Bên cạnh đó, công tác quản lý thuê bao di động trả trước chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến các tổ chức, cá nhân dễ dàng mua sim đã được kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao với số lượng lớn để phát tán tin nhắn rác. Một số đối tượng lập trang web ảo để nhắn tin lừa đảo, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ngành chức năng vào cuộc

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, thông tin trên mạng có nội dung không lành mạnh, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, khiêu dâm, bói toán, cờ bạc, lô đề… đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình đó, ngày 24-12-2014, Bộ TT-TT đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Chỉ thị khẳng định sự vào cuộc của cơ quan chức năng khi quy trách nhiệm cụ thể đối với các doanh nghiệp trong quản lý và hoạt động về mạng, ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung lừa đảo.

Về phía địa phương, để hạn chế tin nhắn rác, Sở TT-TT Bình Dương đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các đơn vị đăng ký sim số. Trong năm 2014, thanh tra sở đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra, khảo sát đối với 10 hộ kinh doanh được doanh nghiệp ký hợp đồng ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao và 5 doanh nghiệp thông tin di động. Theo thống kê, hiện nay Bình Dương có tổng số thuê bao cố định là 145.473 thuê bao; 72.296 thuê bao trả sau; số thuê bao di động trả trước khoảng 2.598.312 thuê bao.

Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, cảnh báo: Những tin nhắn rác nhằm lừa đảo người dùng điện thoại di động gọi lại vào đầu số 1900xxxx, hoặc nhắn tin vào các đầu số này để chiếm đoạt cước. Các cuộc gọi thường có block 1 phút, cước gọi có thể phát sinh lên đến 15.000 đồng/phút. Người dùng bấm máy gọi vào các đầu số này thì bị tốn 15.000 đồng. Mỗi tin nhắn phản hồi tới các đầu số thuê bao cũng có thể bị trừ từ 3.000 - 15.000 đồng.

Ông Huỳnh Đình Thiện nói thêm, Thanh tra sở đang nghiên cứu đề xuất các quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tin nhắn rác, lừa đảo để áp dụng tại địa bàn trên cơ sở các quy định của pháp luật về tin nhắn rác. Cùng với đó tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý thuê bao di động trả trước và hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp thông tin vi phạm pháp luật; xem xét, xử lý khi có khiếu nại của người dân về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gửi đến cơ quan. Tuy nhiên, đến nay sở vẫn chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào của người dân nên chưa có cơ sở để theo dõi, xử lý các đối tượng lập tin nhắn lừa đảo. Vì vậy, người dân từng là “nạn nhân” của những tin nhắn lừa đảo hãy gửi đơn khiếu nại về sở để thanh tra vào cuộc xử lý.

 

Ngoài ra, người sử dụng điện thoại di động cũng cần cảnh giác, không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu chưa hiểu rõ hoặc không nắm chắc thông tin và giá cước dịch vụ. Không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Có như vậy, bản thân người dùng sẽ tránh được tình trạng “tiền mất tật mang”; góp phần đẩy lùi tin nhắn rác, lừa đảo.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên