Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục quá tải: Cần những giải pháp cấp bách

Cập nhật: 15-11-2012 | 00:00:00
Quá tải nên từ phòng cấp cứu nhi đã phải ghép bệnh nhân (BN) nằm chung giường. Đa số vào cấp cứu là bệnh trở nặng, sốt cao nhưng vẫn chịu chung 2 bé một giường. Ở các phòng bệnh của dãy D1, D2 thì BN, người nhà nằm, ngồi ngay ở hành lang hoặc mắc võng ngoài vườn cây, “khi có mưa thì chạy vô!”. Đó là tình cảnh thường thấy ở khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh…

   Quá tải ở khoa Nhi BVĐK tỉnh

 “Nằm ghép” từ phòng cấp cứu đến phòng bệnh!

Đứng bồng con bị bệnh tay chân miệng (TCM) ở ngay trước cửa phòng cấp cứu nhi, anh Trịnh (TP.TDM) cho biết: “Đông quá, đến phòng cấp cứu mà vẫn nằm chung giường nên tôi bồng bé ra đây cho thoáng một chút. Lúc nào bé ngủ mới vào giường”. Nơi hành lang bệnh viện, một người mẹ nhà ở huyện Bến Cát đưa con đi điều trị bệnh tiêu chảy phải mắc võng ru bé ngủ. Chị nói: “Con tôi nhập viện 5 này nay. Bé mắc bệnh tiêu chảy nên sút cân nhanh lắm. Thấy con vậy xót lắm. Ở đây chật chội, có khi ghép 2 bé mỗi giường nhưng phải ráng theo điều trị dứt điểm. Nhà xa chứ gần thì bồng con về, đến giờ chích thuốc chứ nằm đây nóng bức bởi đông quá…”.

“Các dự án đầu tư cho ngành y tế giai đoạn đến năm 2015 gồm nhiều bệnh viện, trung tâm chuyên biệt trong đó có BVĐK tỉnh xây dựng mới, quy mô 1.500 giường, diện tích đất hơn 150.000m2. Giai đoạn 1: vốn đầu tư: 1.300 tỷ đồng(trong đó: vốn ngân sách 1.000 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 300 tỷ đồng); Bệnh viện chuyên khoa Nhi: xây dựng mới giai đoạn 1 quy mô 200 giường. Diện tích đất 34.800m2. Vốn đầu tư: 400 tỷ đồng(trong đó: vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ 300 tỷ đồngvà vốn xã hội hóa 100 tỷ đồng). Bên cạnh đó có các dự án xây mới hoặc nâng cấp BVĐK tuyến huyện, thị.”

Điều dưỡng trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Nguyễn Thanh Thủy cho chúng tôi biết, hàng năm, tình trạng quá tải ở khoa này thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10, 11. Các tháng 7, 8, 9 là “cao điểm quá tải” của các bệnh TCM, sốt xuất huyết (SXH). Hiện tại, dãy D1 có 55 giường nhưng có hơn 70 BN điều trị nội trú. Dãy D2 cũng có 55 giường thì có hơn 100 BN. Phòng cấp cứu nhi có 15 giường hiện cũng có 22 trẻ đang được   thăm khám, điều trị… Thời tiết nắng  nóng khiến bệnh nhi càng tăng cao, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp. Khi chúng tôi đến khoa Nhi, ngày 30-10, số liệu từ sổ theo dõi cho thấy có 18 ca TCM, 9 ca SXH, 18 ca tiêu chảy, hơn 60 ca mắc bệnh đường hô hấp… Nhiều ca khác là sốt siêu vi, sốt chưa rõ nguyên nhân, viêm màng não cấp… Bệnh TCM cũng đáng lo khi số liệu 9 tháng đầu đã là 1.027 ca (cả năm 2011 là 946 ca). Bệnh SXH tính từ đầu năm đến nay cũng có 857 ca bệnh nhi…

Quá tải BN nên cường độ làm việc của bác sĩ, điều dưỡng cũng… quá tải theo! Buổi sáng, bác sĩ tập trung khám bệnh và buổi chiều thăm khám lại để phân cấp bệnh lần thứ 2. Điều dưỡng cũng luôn tay luôn chân với yêu cầu khám chữa bệnh quá đông. Nói như cô Nguyễn Thanh Thủy thì: “Tôi vào làm tối mắt tối mũi đến hết giờ thì về chứ không có chuyện giải lao gì đâu. Bởi BN đông quá mà. Trước, bệnh ít, bác sĩ, điều dưỡng còn chuyện trò với bé, hay tư vấn cho người nhà tận tình hơn nhưng nay quá tải, thời gian dành cho BN cũng ít hơn, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh là có”. Ở phòng khám nhi cũng rất đông BN đến khám. Bệnh viện bố trí 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng để khám bệnh cho BN và luôn trong tình trạng rất đông BN chờ khám…

Cần sớm xây dựng bệnh viện nhi

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Văn Quang Tân, hiện nay, ngành y tế tỉnh Bình Dương đang đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết. Đó là vấn đề thiếu nguồn nhân lực mà đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ bác sĩ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng xuống cấp trầm trọng, không được trang bị đầy đủ. Tình hình dân số cơ học tăng rất nhanh. Từ đó dẫn đến các cơ sở y tế ở các tuyến chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại BVĐK tỉnh, sự quá tải là xảy ra ở nhiều khoa chứ không riêng gì ở khoa Nhi. Tất nhiên khi quá tải, bác sĩ làm việc cũng áp lực hơn, vất vả hơn. Thời gian thăm khám bệnh sẽ bị rút ngắn hơn. Bởi thế, nhiều bệnh nhân còn than phiền về tinh thần thái độ phục vụ chưa đúng, ứng xử không tốt của cán bộ y tế trong cung cách phục vụ…

Từ thực tế này, rất cần thiết xây dựng, mở rộng khoa nhi, xây dựng bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhi. Ở Bình Dương hiện có nhiều phòng khám tư nhân chuyên khoa nhi nhưng cũng chỉ chữa trị các ca bệnh nhẹ. Khi bệnh trở nặng cũng sẽ nhập viện cấp cứu ở khoa Nhi BVĐK tỉnh hay lên tuyến trên và tình trạng quá tải luôn xảy ra, nhất là trong những đợt cao điểm nắng nóng, vào mùa dịch bệnh.

Để tránh tình trạng quá tải như hiện nay, chính quyền cũng như người dân đều mong mỏi những dự án này sớm hoàn thiện, đi vào hoạt động. Khi đó, việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ có chất lượng hơn…

 Q.NHƯ - H.THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên