Khởi sắc Thương mại điện tử Bình Dương

Cập nhật: 29-09-2016 | 08:43:33

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 2006. Hiện Việt Nam có khoảng 150.000 doanh nghiệp (DN) có website riêng, trong đó khoảng 50- 60% tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán online trong website. Tuy nhiên, trong số đó có tới 95% là DN nhỏ và vừa, nhỏ bé cả về quy mô và nhân lực, năng lực kinh doanh yếu. Ở Bình Dương lực lượng này cũng còn mỏng manh, chưa quy về một mối.

Toàn cảnh cuộc họp khảo sát ứng dụng thương mại điện tử 2016

TMĐT Việt Nam có viễn cảnh lạc quan

Qua đó cho thấy TMĐT Việt Nam mới chỉ chập chững những bước đầu tiên, chưa có nhiều công ty TMĐT mạnh và tốt, mà chỉ có số ít công ty đang đi tiên phong. Theo nhận định của một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam mới dừng lại ở con số khoảng 30 triệu người dùng internet có thể tham gia TMĐT /92 triệu dân, quả là con số khiêm tốn!

Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự báo khá lạc quan về tương lai TMĐT Việt Nam. Từ năm 2020 trở đi, thị trường TMĐT B2C (DN với người tiêu dùng) sẽ tăng 25%/năm, đạt tới 10 tỷ USD; giá trị mua sắm online khoảng 400 USD/người/ năm; có 60% TMĐT online, 80% DN thực hiện đặt hoặc nhận đơn hàng online; TMĐT trên di động (m-Commerce) phát triển rất mạnh; hạ tầng logistics, thanh toán online sẽ nhanh hoàn thiện... Ngoài ra, theo dự báo TMĐT tại Việt Nam của Google cho rằng trong năm 2015 và những năm tiếp theo, xu hướng mua hàng trực tuyến và nhu cầu xem video trên internet sẽ gia tăng. Đặc biệt, sự gia tăng nhanh chóng số lượng smartphone sẽ là nền tảng cho TMĐT Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai gần.

Mặc dù vẫn còn không ít thách thức, chẳng hạn như vận chuyển, giao nhận hàng hóa, thanh toán trực tuyến, thói quen tiêu dùng, niềm tin vào TMĐT, song thị trường TMĐT Việt Nam rất rộng mở và có nhiều cơ hội cho các DN TMĐT muốn tham gia vào sân chơi lớn này. Sống khỏe hay yếu hoàn toàn phụ thuộc vào chính DN mà thôi.

Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015 vừa được Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương công bố, trong năm ngoái, giá trị mua hàng trực tuyến của 1 người ước tính đạt khoảng 160 USD và doanh số TMĐT B2C đạt 4,07 tỷ USD. Con số ước tính nêu trên được Cục TMĐT và CNTT đưa ra từ kết quả cuộc khảo sát Cục thực hiện trong năm 2015.

Bình Dương tuy chưa thống kê được doanh số TMĐT, song qua thực tế phát triển kinh tế, cũng như sự gia tăng số DN, dân cư trên địa bàn tỉnh, con số này chắc không nhỏ. Như vậy, chắc chắn tương lai TMĐT ở Bình Dương sẽ có nhiều bước đột phá mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại giới thiệu về chương trình khảo sát ứng dụng thương mại điện tử 2016 tại Bình Dương

Bình Dương triển khai khảo sát ứng dụng TMĐT trên diện rộng

Thực hiện Quyết định số 2691/QĐ- UBND ngày 21/10/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt chương trình TMĐT năm 2016. Trong đó, giao Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Sở Công Thương Bình Dương thực hiện nhiệm vụ khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sáng ngày 22-7, tại Hội trường Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm XTTM vừa họp bàn kế hoạch triển khai chương trình khảo sát ứng dụng TMĐT, bắt đầu từ tháng 7/2016, nhằm mục đích cung cấp thông tin, đánh giá một cách toàn diện thực trạng ứng dụng TMĐT của DN trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến các báo cáo khảo sát chi tiết ban đầu sẽ đưa ra các thông tin toàn diện, có hệ thống về thông tin chung của DN khảo sát: loại hình, lĩnh vực hoạt động và quy mô của DN, hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực, các hình thức giao dịch, thanh toán trong TMĐT, tình hình vận hành website TMĐT, hiệu quả ứng dụng TMĐT của DN, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đối tượng khảo sát của chương trình là các DN hoạt động tại 9 huyện thị thành phố trực thuộc tỉnh, với 16 ngành kinh tế chính yếu: Gốm sứ, dệt may, da giày, gỗ, cơ điện, vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán buôn - bán lẻ... Dự kiến chương trình sẽ thu hút khoảng 1.250 DN trên địa bàn tỉnh tham gia khảo sát.

Khi chúng tôi hỏi về cách để “quy” hàng ngàn DN TMĐT “về một mối”, ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM Bình Dương cho biết: “Chương trình mong muốn hợp tác với các DN, hiệp hội ngành nghề, phòng kinh tế huyện thị, để phối hợp điều tra khảo sát. Trung tâm dự kiến sẽ thành lập đội ngũ cộng tác viên khảo sát khoảng 30 thành viên bao gồm cán bộ Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố; cán bộ Hiệp hội ngành nghề; các cán bộ phòng ban chuyên môn của Sở Công Thương…Các cộng tác viên sẽ làm đầu mối thực hiện khảo sát và thu hồi phiếu khảo sát. Để khắc phục tình trạng trùng lắp, danh sách cơ sở dữ liệu DN của chương trình sẽ được cập nhật liên tục và thông báo kịp thời đến các cộng tác viên”.

Nhà nước và DN cùng thực hiện giải pháp phát triển TMĐT

Chương trình điều tra, khảo sát mức độ ứng dụng TMĐT Sở Công Thương nhằm thu thập một số thông tin cơ bản thành lập kho cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng định hướng, chiến lược, giải pháp, kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Ông Phạm Thanh Dũng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, phục vụ thiết thực nhu cầu của DN và người dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau: Đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin phục vụ.

Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, DN hoạt động TMĐT cần chọn lựa các chiến lược tiếp thị để phát triển TMĐT thực hiện các mục tiêu kinh doanh và sự thành công của DN trong lĩnh vực này. Theo Catalin Zorzini - nhà sáng lập của Mostash.com (một công ty tiếp thị nội dung có trụ sở tại London, Anh), DN có thể sử dụng 7 chiến lược sau đây để phát triển TMĐT: Tập trung chuyển hóa khách hàng triển vọng thành khách hàng hiện tại, thu thập địa chỉ thư điện tử của khách hàng, làm bạn với truyền thông xã hội, tạo các trang nhật ký điện tử (blog), thiết kế lại cửa hàng trực tuyến, cải thiện chất lượng hình ảnh trên cửa hàng trực tuyến và chú trọng chất lượng dịch vụ khách hàng.

Hy vọng toàn cảnh TMĐT Bình Dương sẽ khởi sắc, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của TMĐT hiện nay, cùng sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của Nhà nước, cho dù mới gia nhập thị trường hoặc đã hoạt động nhiều năm, nếu biết cách vận dụng những chiến lược tiếp thị hiệu quả, DN sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng, góp phần phát triển TMĐT, làm nền tảng hội nhập kinh tế quốc tế.

BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên