Khởi sắc Vĩnh Lợi

Cập nhật: 07-04-2015 | 08:15:02

Đến Vĩnh Lợi hôm nay rất khó nhận ra dấu tích khốc liệt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Chiến khu Vĩnh Lợi trước đây nay đã vươn mình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Chiến khu Vĩnh Lợi xưa, nay đã thay da đổi thịt. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II mở rộng đã mang lại nhiều cơ hội phát triển đột phá cho Vĩnh Tân Ảnh: K.VINH

 Xanh lại “đất lửa”

 Vĩnh Lợi trước đây thuộc huyện Châu Thành, tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc ấp 3, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) là một vùng đất cao có rừng nổi tiếng. Khu căn cứ Vĩnh Lợi bao gồm địa bàn xã Vĩnh Tân, một phần của 2 xã Tân Bình và Bình Mỹ (TX. Tân Uyên). Khu này thành lập từ năm 1946, được chọn làm trung tâm của chiến khu đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và tỉnh. Chiến khu Vĩnh Lợi với tầm vóc quan trọng của mình được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”.

Đây cũng là một trong những nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. Vĩnh Lợi trong hai cuộc kháng chiến còn là hậu cần và là cầu nối liên hoàn từ các căn cứ Thuận An Hòa (TX.Thuận An), Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên... Trong nhiều năm, Vĩnh Tân trở thành vùng trắng không người ở, không cơ sở kinh tế.

Hòa bình lập lại, chiến khu xưa Vĩnh Lợi đã trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế mạnh mẽ của huyện Tân Uyên trước đây, cũng như TX.Tân Uyên hiện nay.

Niềm tin ngày mới

Khoảng chục năm trước đây, kinh tế của xã Vĩnh Tân còn thuần nông. Sự phát triển Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của xã. Vĩnh Tân nhanh chóng trở thành vùng ven Thành phố mới Bình Dương với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Nhà đầu tư liên tục tìm đến kiếm cơ hội đầu tư làm ăn dẫn đến sự chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế của xã từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ.

Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành năm 1946, giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cây Bông, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam; hướng đông và tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng bắc, tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa. Với những cánh rừng tự nhiên trải dài hàng trăm ha và 2 cánh đồng ruộng trải rộng theo hai con suối có nước quanh năm đã cung cấp lương thực nuôi sống người dân Vĩnh Lợi bao đời đi theo kháng chiến.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với nhân dân huyện Châu Thành, hàng ngàn người dân Chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và đã anh dũng hy sinh, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của chiến trường. Họ vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, là bàn đạp vững chắc trong kháng chiến đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Qua đó, góp phần vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trên lĩnh vực công nghiệp, ngoài khu công nghiệp của tỉnh, hiện trên địa bàn xã Vĩnh Tân có 25 công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động. Xã còn có 164 hộ kinh doanh cá thể. Con số này rất có ý nghĩa bởi trước đây Vĩnh Tân chỉ là một xã nông nghiệp, với gần 70% trong số hơn 3.000 ha diện tích tự nhiên của xã phục vụ vào mục đích trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế tập thể ở Vĩnh Tân cũng phát huy vai trò khá tốt. Nếu như trước đây xã chỉ có vài nhóm liên kết sản xuất tự phát có quy mô nhỏ thì đến nay, đã có 1 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, san lấp mặt bằng, thi công cơ giới… và 3 tổ liên kết sản xuất nông nghiệp. Các HTX và tổ liên kết này đều hoạt động hiệu quả, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm; qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Hiện nay, Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Tân Uyên cũng đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả kinh tế - xã hội đối với Vĩnh Tân. 58 nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện dự án trong khu này, trong đó có 8 nhà đầu tư đi vào hoạt động, tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động. Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh đi trước, cùng với sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo và những lợi thế của địa phương, trong thời gian tới Vĩnh Tân sẽ có sự phát triển vượt bậc, xứng đáng là vùng đất hào hùng Chiến khu Vĩnh Lợi xưa.

 KHÁNH VINH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên