Không chủ quan với những dịch bệnh khác

Cập nhật: 06-03-2020 | 08:37:49

Công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm là một trong những nội dung luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm trong các hoạt động của mình. Mặc dù đây là thời điểm tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác vẫn được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên...

 Ngành y tế phun thuốc dập dịch sốt xuất huyết tại một địa phương trên địa bàn

 Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được ghi nhận có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn ghi nhận ca bệnh và đặc biệt gần đây có dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện Dầu Tiếng. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà,  Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết theo thống kê, tính đến ngày 23- 2, trên địa bàn tỉnh nghi nhận 830 ca bệnh sốt xuất huyết, 395 ca bệnh tay chân miệng, 86 ca sởi... Nhìn chung, số ca mắc giảm hơn nhiều so cùng kỳ năm 2019. Ngành y tế đã chủ động thực hiện các biện pháp để khống chế, giảm số ca mắc của các bệnh truyền nhiễm, không để lây lan ra cộng đồng. Công tác giám sát tình hình dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên.

Từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, cùng với cả tỉnh, ngành y tế đang tập trung quyết liệt để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mặc dù các bệnh truyền nhiễm khác ghi nhận ca mắc có giảm, nhưng công tác phòng, chống vẫn được ngành y tế quan tâm và chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai thực hiện thường xuyên, không được chủ quan lơ là. “Ngành y tế luôn cảnh giác với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế cũng chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống các dịch bệnh khác, đặc biệt là cúm gia cầm”, bác sĩ Hà nói.

Các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đều được Sở Y tế triển khai đến từng đơn vị trực thuộc, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc. Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, ngành y tế đã triển khai một số văn bản của cấp trên như: Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”; Công văn số 167/TTg-NN ngày 5-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; Công điện số 735/CĐ- BNN-TY ngày 3-2-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm; Công văn số 216/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân ngày 16-1-2020 của UBND tỉnh; Công văn số 493/ UBND-KT ngày 10-2-2020 của UBND tỉnh về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A trên gia cầm và ở người...

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh như: Công văn số 135/SYT-NVY ngày 30-1- 2020 về việc bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân trên địa bàn tỉnh; Công văn số 245/ SYT-NVY ngày 12-2-2020 về việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và cúm A trên gia cầm và ở người; Công văn số 385/SYT-NVY ngày 26-2- 2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người...

Cùng với công tác chỉ đạo, điều hành một cách xuyên suốt của ngành, các cơ sở y tế luôn sẵn sàng trực cấp cứu 24/7, chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, dịch truyền... để tiếp nhận, khám, cách ly, điều trị ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác giám sát các ổ dịch cũ, xử lý ổ dịch mới được triển khai thực hiện thường xuyên. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, các đội cấp cứu lưu động, các đội phòng, chống dịch cơ động luôn được kiện toàn, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

Theo bác sĩ Hà, để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiệu quả, ngành y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nhiều nội dung liên quan. Điều ngành y tế quan tâm chú ý đầu tiên đó là tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, ngành y tế còn tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống để người dân hiểu, tự giác tham gia phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tổ chức tập huấn về chuyên môn phòng chống dịch bệnh, điều trị, sẵn sàng cho công tác khám, cấp cứu, điều trị và xử lý dịch bệnh. Công tác phối hợp cũng được ngành đẩy mạnh, đặc biệt là phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan trong việc rà soát, điều tra, cách ly điều trị các trường hợp trở về từ vùng có dịch bệnh theo quy định; tiếp tục củng cố các khu cách ly, khu điều trị dã chiến, tiếp nhận, cách ly các đối tượng trở về từ vùng có dịch bệnh; phối hợp Sở Tài chính trình UBND tỉnh các chế độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; dự trù thuốc, hóa chất, phương tiện phòng, chống dịch bệnh trong tình huống xấu nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đây, một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện, đó là không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Điều này vẫn đang được tỉnh và ngành y tế Bình Dương thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, cũng như làm giảm số ca mắc do các bệnh truyền nhiễm khác.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên