Không để sót hộ nghèo

Cập nhật: 17-10-2017 | 08:27:02

 Mỗi lần nâng chuẩn nghèo mới, Bình Dương lại có thêm nhiều hộ nghèo (HN). Đó là kết quả của việc khảo sát, điều tra HN của Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo - việc làm (BCĐ) từ tỉnh xuống cơ sở. Để không bỏ sót HN, Bình Dương đã có những chính sách riêng...

 Rà soát HN

Sau mỗi lần nâng tiêu chí HN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là đơn vị chủ chốt trong việc hướng dẫn các địa phương rà soát HN. Theo đó, lãnh đạo sở, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đến tận nơi tập huấn cho BCĐ Chương trình giảm nghèo - việc làm từ huyện, thị, thành phố đến các xã, phường, thị trấn. Được tập huấn bài bản, BCĐ các cấp đã thực hiện nhanh chóng và báo cáo chính xác số lượng HN của địa phương để tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Cán bộ giảm nghèo tỉnh, huyện Dầu Tiếng và xã Định Thành khảo sát HN tại ấp Yên Ngựa, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: T.LÝ

Đầu năm 2016, thực hiện điều tra, khảo sát HN, hộ cận nghèo toàn tỉnh có 3.889 HN, tỷ lệ 1,32% và 2.870 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,97%. Tính đến 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh có 269 hộ thoát nghèo. Số HN toàn tỉnh hiện nay là 3.620 hộ, tỷ lệ 1,23% trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh. Tổng số hộ không có khả năng thoát nghèo 973 hộ. Số hộ cận nghèo 3.024 hộ.

Theo chân BCĐ khu phố 7, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một chúng tôi tham gia rà soát HN cùng các cô chú trong BCĐ. Họ thực hiện theo các bước, như xác định, lập danh sách các hộ gia đình cần rà soát; lập danh sách phân loại hộ gia đình qua điều tra, rà soát; họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai danh sách HN, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tại trụ sở UBND phường, văn phòng khu phố và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 7 ngày làm việc. Nếu người dân trong khu phố thắc mắc có ý kiến thì tổ giúp việc sẽ rà soát lại, sau đó, tổng hợp kết quả báo cáo về BCĐ phường. Nhờ vậy bảo đảm chính xác, công bằng trong việc rà soát.

Với huyện Dầu Tiếng thực hiện tốt việc điều tra, rà soát HN, cận nghèo, Dầu Tiếng đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng kế hoạch đến rà soát nắm đối tượng và phân công cán bộ đảm nhận nhiệm vụ điều tra. Trong quá trình thu thập thông tin, Dầu Tiếng đã yêu cầu các điều tra viên phải thu thập thông tin một cách chính xác, chi tiết, công tâm, phản ánh đúng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. “Với sự nỗ lực của các địa phương, tin tưởng rằng kết quả điều tra, rà soát HN, cận nghèo sẽ là căn cứ chính xác nhất để đánh giá kết quả giảm nghèo trong năm, cũng như là căn cứ để tỉnh xây dựng chương trình giảm nghèo trong thời gian tiếp theo một cách sát thực và hiệu quả, hướng tới các giải pháp giảm nghèo bền vững”, bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng LĐ- TB&XH Dầu Tiếng nói.

Nỗ lực xóa HN

Khi nắm được danh sách, con số cụ thể HN trong tỉnh, Bình Dương đã có những chính sách riêng chăm lo để họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đầu tiên, Bình Dương xác định muốn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội thì kinh tế phải phát triển. Do đó, tỉnh đã chủ trương đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả, sau một thời gian chuyển đổi từ tỉnh nông nghiệp sang công nghiệp, Bình Dương đã đóng góp vào ngân sách Trung ương và trích ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội chăm lo tốt đời sống cho nhân dân.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để chăm lo tốt hơn cho HN, hàng năm, tỉnh đều tổ chức tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh và HN tại các địa phương. Qua những đợt tiếp xúc, những mong muốn của họ về tín dụng cho học sinh sinh viên, nước sạch, xây dựng và sửa chữa nhà ở… được thực hiện tốt. Bình Dương còn thực hiện các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, người nghèo. Cụ thể, đầu năm 2017 đến nay, đã mở được 908 lớp dạy nghề lao động nông thôn với 2.864 học viên; giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm cho khoảng 12.000 người. Chăm sóc sức khỏe cho HN, tỉnh hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo; cấp 100% thẻ BHYT cho HN, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo.

Thực hiện chính sách bảo lưu cho hộ thoát nghèo trong thời gian 2 năm kể từ khi thoát nghèo, Bình Dương giúp hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng chính sách như HN. Đồng thời hàng năm, ngân sách tỉnh còn cân đối ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm… Từ năm 2011-2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho hơn 580.500 lượt hộ vay với tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tiến, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi, kết hợp trồng 5.000m2 cây ăn trái, nuôi gà thả vườn, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hay hộ bà Hà Thị Nhân, xã An Linh, huyện Phú Giáo, nhờ địa phương hỗ trợ vốn, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cây, con, từ HN nay đã có “bát ăn, bát để”, nuôi được hai con học đại học.

Bên cạnh đó, thông qua nguồn vận động các doanh nghiệp, đơn vị cho Quỹ “Vì người nghèo”, Bình Dương đã xây dựng và sửa chữa 1.500 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho HN với số tiền gần 51 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2016); cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều mô hình của đoàn thể, hội các cấp đã góp phần rất lớn cho công tác giảm nghèo, mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là nguồn lực hết sức quý giá mà cộng đồng, xã hội, các tổ chức, cá nhân dành cho người nghèo bên cạnh nguồn lực còn hạn hẹp từ ngân sách Nhà nước, giúp cho công tác giảm nghèo ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên