Không lơ là với dịch bệnh Ebola 

Cập nhật: 11-10-2014 | 09:32:47

Trước tình hình diễn biến bệnh Ebola trên thế giới ngày càng phức tạp, mới đây UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh.


Bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một tư vấn cho người bệnh về các loại bệnh truyền nhiễm

Theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh Ebola, tính đến ngày 22-8, các nước trên thế giới đã ghi nhận 2.615 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó có 1.427 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do vi rút Ebola trên toàn cầu vào ngày 8-8-2014. Nhận định dịch tễ về bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da, niêm mạc và xuất huyết phủ tạng. Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh... Người bệnh và người mang vi rút tiềm ẩn cũng có vai trò là nguồn truyền nhiễm trong chu kỳ lây từ người sang người. Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như tỉnh Bình Dương có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Tỷ lệ mắc và tử vong cao đang tăng từng ngày tại các quốc gia vùng Tây Phi. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào tỉnh ta thông qua khách du lịch, khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi. Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh tại Bình Dương nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Ebola đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Kế hoạch cũng đề ra các tình huống giả định, như xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Bình Dương hay có ổ dịch thì phải khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Tỉnh đề nghị tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kế hoạch đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra giám sát việc triển khai những hoạt động phòng chống dịch tại các đơn vị; hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng điều trị, xử lý dịch tại địa phương và những hướng dẫn kỹ thuật.

Về công tác dự phòng, cũng phải tăng cường giám sát sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola. Theo dõi cách ly và xử lý các trường hợp này theo quy định những người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch đến Bình Dương làm việc, du lịch, học tập. Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola và các yếu tố dịch tễ liên quan. Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Tổ chức tập huấn, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân, khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola không để lây nhiễm trong bệnh viện.

Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng chống dịch Ebola, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Hiện, công tác phòng chống dịch Ebola được triển khai cụ thể như tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, tuyên truyền qua xe truyền thanh, ghi âm và phát đĩa có nội dung về phòng chống căn bệnh này. Nhân viên y tế các cơ sở y tế cũng đã nắm bắt được những thông tin mới nhất về căn bệnh này. Trung tâm cũng sẽ làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế, nhận sự chỉ đạo từ Bộ Y tế, kết hợp với Viện Pastuer TP.HCM để có phương án phòng, chống bệnh hiệu quả nhất”.

QUỲNH NHƯ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên