Không nên thờ ơ với bệnh nghề nghiệp

Cập nhật: 12-05-2018 | 09:07:55

Bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động (NLĐ). NLĐ mắc BNN không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, mà còn ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động của các doanh nghiệp...

 

 Người lao động là tài sản quý của mỗi doanh nghiệp

Doanh nghiệp quan tâm đến môi trường lao động

Bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường tỉnh cho biết, qua công tác kiểm định đánh giá môi trường lao động (MTLĐ) hàng năm của đơn vị cho thấy, số doanh nghiệp thực hiện có chiều hướng tăng. Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp có sự quan tâm, chú trọng hơn đến MTLĐ. Tuy nhiên, số cơ sở đơn vị giám sát, quản lý về vệ sinh lao động vẫn còn quá thấp so với thực tế số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân của thực trạng này là do các doanh nghiệp còn né tránh, công tác kiểm tra của các ngành chức năng chưa thường xuyên, hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe. Do đó, các doanh nghiệp chỉ thực hiện khi có yêu cầu của đối tác, đối phó với ngành chức năng hoặc theo sự nhắc nhở của từng ngành nghề. Qua kiểm định của đơn vị, cho thấy MTLĐ ô nhiễm cao nhất thuộc ngành gỗ, kế đến là ngành cơ khí, gốm, dày da, may mặc… Nhìn chung, tình hình ô nhiễm MTLĐ tại các doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện đáng kể. Việc đầu tư và cải thiện MTLĐ trong thời gian qua có quan tâm hơn, song kết quả vẫn chưa chuyển biến tốt hơn.

Có thể dự phòng

Thực trạng BNN trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có chiều hướng phát triển. Theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, các BNN thường gặp nhất là điếc, hô hấp và một số bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (nhiễm chì, thường ở các cơ sở sản xuất bình ắc quy. Ở những cơ sở này, 100% số mẫu kiểm định đều vượt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép). Đa số BNN đều khó điều trị. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm để NLĐ được hoán đổi vị trí làm việc phù hợp, tránh bệnh ngày càng nặng thêm.

Tiêu chuẩn quan trọng nhất khi chẩn đoán BNN đó là bệnh “phát sinh do điều kiện lao động có hại”. Tức là phải có yếu tố tiếp xúc với các yếu tố tác hại nghề nghiệp (khác với các bệnh thông thường trong cộng đồng). BNN phát sinh do tiếp xúc với các hóa chất độc hại (như khí CO, Pb, As…), các yếu tố vật lý (ồn, rung), các yếu tố sinh học (vi nấm, vi khuẩn, vi rút) và do yếu tố căng thẳng thần kinh tâm lý. Do đó, muốn phòng chống được các BNN hay bệnh liên quan đến nghề nghiệp một cách hiệu quả thì nhất thiết chúng ta phải thực hiện được một số biện pháp cơ bản trong kiểm soát MTLĐ. Và điều quan trọng nhất trong việc quản lý MTLĐ là bất kỳ một yếu tố tác hại nghề nghiệp nào đều phải kiểm soát được. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản và không phải bao giờ, ở đơn vị nào cũng có thể giải quyết được.

Để dự phòng BNN, theo bác sĩ Vân, biện pháp quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đó là biện pháp kỹ thuật. Biện pháp này bao gồm làm giảm các yếu tố độc hại bằng cách gắn hệ thống thông gió, hút bụi và hơi khí độc có hiệu quả tại chỗ hay hệ thống chung cho cả phân xưởng, thực hiện đổi mới quy trình công nghệ (sản xuất theo chu trình kín); sử dụng các thiết bị máy móc phát sinh ít yếu tố độc hại (tiếng ồn, rung); thay thế chất độc hại bằng chất ít độc hại hơn. Cùng với biện pháp kỹ thuật, biện pháp y tế cũng được đặt ra bằng cách thường xuyên kiểm tra, giám sát MTLĐ, giám sát các yếu tố nguy cơ tại các vị trí lao động; thực hiện khám tuyển dụng công nhân để bố trí lao động hợp lý; thường xuyên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm BNN; tăng cường giáo dục, tuyên truyền sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống BNN và tai nạn lao động cho người quản lý và NLĐ. Sau khi sử dụng các biện pháp trên mà các tác hại nghề nghiệp vẫn còn thì buộc NLĐ phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân (khẩu trang, mặt nạ, nút tai…); đồng thời cần thực hiện nghiêm các nội quy về an toàn vệ sinh lao động để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

NLĐ có sức khỏe tốt sẽ tạo ra năng suất, chất lượng lao động cao. Ngược lại, một khi họ mắc phải BNN thì sức khỏe của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Điều đó, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm đến việc cải thiện MTLĐ để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên