Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân

Cập nhật: 09-04-2019 | 08:36:06

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện Bàu Bàng quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện.


Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện phối hợp tổ chức sân chơi thể thao cho công nhân lao động trên địa bàn huyện

- Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện Bàu Bàng?

- Huyện Bàu Bàng chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1-4-2014. Là một huyện công nghiệp tập trung đông lao động từ các nơi đến sinh sống và làm việc, do đó việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần cho người dân là một việc làm rất cần thiết và không thể thiếu trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh Bình Dương, trong những năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ của huyện luôn được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo được môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh phục vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện.

Do đặc thù là huyện có khu công nghiệp tập trung đông lao động các tỉnh đến sinh sống và làm việc tại đây, xuất phát từ nhu cầu thực tế cần thiết phải có sân chơi giải trí lành mạnh cho người dân lao động nên hàng tháng huyện còn chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ công nhân lao động và nhân dân định kỳ mỗi tháng 1 lần. Tính đến nay, huyện đã xây dựng được 4 đội năng khiếu (gồm đội văn nghệ, đội múa, đội văn nghệ thiếu nhi, nhóm kịch, CLB thơ ca thuộc hội dưỡng sinh huyện) phục vụ cho các hoạt động chính trị của huyện; tổ chức được 2 đợt hội trại sáng tác nhạc; thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, huyện đã thành lập được 8 CLB đờn ca tài tử với hơn 100 hội viên tham gia sinh hoạt.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Bàu Bàng có gặp khó khăn gì và huyện đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào, thưa ông?

- Huyện chưa có Trung tâm VH-TT (mới khởi công xây dựng trong năm 2018 đến nay chưa xong) nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của huyện còn rất nhiều khó khăn, phải mượn địa điểm tổ chức nên các hoạt động không được tập trung, không có địa điểm cố định nên vào mùa mưa khó tổ chức thành công các chương trình. Các thiết chế văn hóa của các xã, thị trấn vẫn còn nhiều hạn chế, hiện tại chỉ có 5/7 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng của xã được xây dựng các hạng mục cơ bản phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân tại địa phương nhưng việc vận hành, khai thác chưa thực sự hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn chưa xây dựng được công viên văn hóa công cộng để phục vụ cho người dân vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao. Kinh phí đầu tư cho hoạt động sự nghiệp văn hóa chưa đáp ứng và tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế của huyện. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế.

Với những khó khăn đó, huyện khắc phục bằng cách sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm VH-TT cấp huyện; tăng cường công tác vận động xã hội hóa đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, vận động xây dựng các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu cho người dân; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế.

- Thưa ông, định hướng triển khai các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong huyện những năm tiếp theo là gì?

- Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về các hoạt động văn hóa của huyện sau khi Trung tâm VH-TT chính thức được bàn giao và đi vào hoạt động. Huyện sẽ tập trung đưa tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao về đó để phục vụ người dân, hình thành các sân chơi giải trí tinh thần bổ ích cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân như sân bóng đá, hồ bơi, các câu lạc bộ đội nhóm. Song song đó, huyện sẽ tiếp tục duy trì sân chơi văn nghệ cuối tuần phục vụ công nhân lao động; tổ chức các hội thi, hội diễn ngày càng đi vào chiều sâu, phong phú về nội dung nhằm thu hút đông đảo người dân đến tham gia; vận động các nhà hảo tâm tài trợ một phần kinh phí cho các hội thi, hội diễn các chương trình giao lưu phục vụ công nhân lao động; vận động xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, các công trình trò chơi phục vụ cho thiếu nhi tại Trung tâm VH-TT cấp huyện và tại các thiết chế văn hóa của các xã, thị trấn.

- Xin cảm ơn ông!

Qua 5 năm đi vào hoạt động, huyện đã tổ chức được trên 100 chương trình văn nghệ phục vụ công nhân định kỳ hàng tháng và chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện lớn của huyện; tổ chức 40 hội thi hội diễn văn nghệ cấp huyện; 12 buổi giao lưu văn nghệ với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Huyện tham dự 17 hội thi cấp tỉnh, kết quả đạt 55 giải thưởng (trong đó 7 giải nhất, 8 giải nhì, 10 giải ba, 23 giải khuyến khích và 7 giải phong trào tiêu biểu).

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên