Không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang

Cập nhật: 14-10-2017 | 06:23:35

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ. Từ đó đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử của cách mạng, tuy công tác dân vận có yêu cầu, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào phong trào cách mạng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh to lớn trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo bệ Tổ quốc.

Người dân trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nhân dân xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng hiến đất xây dựng đường nông thôn. Ảnh: Đ.HẬU

Luôn khẳng định vai trò vận động

 Cách đây 87 năm, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Hội nghị Trung ương họp lần thứ nhất từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930 đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động… Các ban chuyên môn này ngay từ bước đầu đã làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát từ thực tế có ý nghĩa chính trị to lớn đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 (một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất) làm ngày “Truyền thống dân vận của Đảng”.

Trong các thời kỳ cách mạng, từ các phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, phong trào Phản đế, phong trào Mặt trận Việt Minh, sau đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật tập hợp vận động quần chúng để tiến hành cách mạng của Đảng. Trong suốt 30 năm thực hiện hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân viết nên những trang sử hào hùng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống anh hùng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, Tỉnh ủy Bình Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần sáng tạo của quần chúng nhân dân, khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước tạo nên nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới để đưa Bình Dương từ một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông, lâm nghiệp trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ và đô thị. Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng mới đây, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thường xuyên bám sát các nghị quyết, chương trình công tác của Tỉnh ủy và sự hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương để chủ động tham mưu Tỉnh ủy chương trình công tác dân vận hàng năm; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo những vấn đề cụ thể về công tác dân vận. Đặc biệt, đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt và trở thành phương châm, phương pháp thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo.

Dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương thời gian qua đạt được những thành tích rất ấn tượng. Có được kết quả đó, ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan còn có sự nỗ lực của hệ thống dân vận các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Kế hoạch số 1048/KH- UBND ngày 19-4-2012 của UBND tỉnh về việc thực hiện phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng các việc làm thiết thực, cụ thể và có ý nghĩa. Đó là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống của tổ chức, hướng dẫn tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia xây dựng nông thôn mới. Các cuộc tuyên truyền, vận động đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015. Từ phong trào này đã có hàng chục tập thể, cá nhân điển hình tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được tuyên dương.

Từ năm 2011 đến nay, các cấp, các ngành phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng các phong trào thi đua thiết thực tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn và đã huy động được nguồn nhân lực, vật lực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu năm 2017, qua các phong trào và các cuộc vận động đã huy động người dân đóng góp gần 60.000 ngày công, hiến trên 76.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn và công trình hạ tầng khác, góp quỹ vì người nghèo hơn 61 tỷ đồng, hỗ trợ và sửa chữa 786 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 2,1 tỷ đồng cho người nghèo khám chữa bệnh… Các phong trào, cuộc vận động đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí nhà ở nông thôn, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, giao thông, thủy lợi.

Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng. Thông qua thực hiện phong trào thi đua yêu nước xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời qua đó kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Các cuộc vận động, các chương trình của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng trưởng với nhịp độ khá, chất lượng và hiệu quả được tăng lên theo từng năm, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua.

 Công tác dân vận làm nên sức sống của các phong trào

Nói chuyện với đội ngũ làm công tác dân vận của tỉnh trong dịp họp mặt kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng mới đây, đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, công tác dân vận phải tập hợp được quần chúng nhân dân thành lực lượng xã hội rộng rãi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phải kết thành một khối vững chắc làm nên sức sống của các phong trào. Công tác dân vận phải thực sự tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Đảng

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên