Khu di tích tưởng niệm Chiến khu Vĩnh Lợi: Niềm tự hào của người dân Tân Uyên

Cập nhật: 14-12-2011 | 00:00:00

Khu di tích tưởng niệm truyền thống Chiến khu Vĩnh Lợi (CKVL) ở Vĩnh Tân, Tân Uyên được chính thức khởi công xây dựng với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. Khó có thể nói hết niềm vui của các đồng chí lão thành cách mạng, cựu cán bộ kháng chiến, các nhân chứng lịch sử... đã từng tham gia kháng chiến nơi này. Bởi ngoài ghi nhớ công ơn, đây là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Vĩnh Lợi - một thời hào hùng...

Về tham dự khởi công xây dựng Khu di tích tưởng niệm CKVL, ngoài những đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện; còn có rất nhiều những đồng chí lão thành cách mạng, cựu cán bộ kháng chiến, các nhân chứng lịch sử... Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, có người rơi nước mắt. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm một thời cùng ăn ở, chiến đấu ở CKVL.

 Đội nữ pháo binh C4 huyện Châu Thành vui mừng trong ngày khởi công Trong không khí trang trọng đó, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND huyện đã cùng các đại biểu ôn lại truyền thống hào hùng của CKVL xưa. Ông nói: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên không thể nào quên những năm tháng chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân CKVL. Di tích CKVL là một trong những địa danh lịch sử hào hùng của quân dân miền Đông Nam bộ nói chung và Tân Uyên nói riêng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Vĩnh Lợi xưa thuộc huyện Châu Thành, tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc ấp 3, xã Vĩnh Tân, Tân Uyên) là một vùng đất cao có rừng nổi tiếng. Khu căn cứ Vĩnh Lợi bao hàm hết xã Vĩnh Tân, một phần của 2 xã Tân Bình và Bình Mỹ. CKVL được hình thành năm 1946, giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cây Bông, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng Đông Nam; hướng Đông và Tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng Bắc tạo sự liên thông với chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa. Với những cánh rừng tự nhiên trải dài hàng trăm ha và 2 cánh đồng ruộng trải rộng theo hai con suối có nước quanh năm đã cung cấp lương thực nuôi sống người dân Vĩnh Lợi bao đời đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng dù có thịt nát xương tan, lao tù đói khổ.

Với vị trí tự nhiên đó, Vĩnh Lợi được chọn làm trung tâm của chiến khu đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo huyện và tỉnh; được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”. Đây cũng là một trong những nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, đã hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. CKVL còn là hậu cần và là cầu nối liên hoàn từ các căn cứ Thuận An Hòa (TX.Thuận An), Chiến khu Đ (Tân Uyên), Long Nguyên (Bến Cát)...

Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, CKVL cùng với nhân dân huyện Châu Thành đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng và đã anh dũng hy sinh, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của chiến trường. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ; giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, là bàn đạp vững chắc trong kháng chiến đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Qua đó góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chiến khu Vĩnh Lợi hôm nay

Hơn 30 năm, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng những chiến tích của một thời bom đạn ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm trí những người từng sống, chiến đấu trên vùng đất linh thiêng này. Biết bao lần giặc càn quét dã man, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa, nhiều nóc nhà đã được dựng lên rồi lại bị thiêu rụi nhiều lần.

Nhắc đến CKVL, hẳn ai đã từng sống và chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ trên mảnh đất thân yêu này đều không thể nào quên những năm tháng kháng chiến ác liệt và gian khổ. Chỉ với diện tích 5km2, nhưng tại nơi đây, quân và dân ta đã hứng chịu không biết bao nhiêu trận càn quét của địch. Ngày nay, CKVL là biểu tượng, danh dự, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang của huyện Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung.

Để ghi nhớ những đóng góp to lớn của CKVL, UBND huyện Tân Uyên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu di tích tưởng niệm truyền thống CKVL tại ấp 3, xã Vĩnh Tân. Ông Nguyễn Thành Phương khẳng định, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung đối với các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, các thế hệ cha ông đi trước đã có những đóng góp, hy sinh to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khi công trình Khu di tích tưởng niệm truyền thống CKVL được phát lệnh khởi công xây dựng, khó có thể nói hết niềm vui mừng của các đồng chí lão thành cách mạng, cựu cán bộ kháng chiến, các nhân chứng lịch sử...

Ông Phan Văn Hiếu, Trưởng ban liên lạc những người kháng chiến cũ huyện Châu Thành chia sẻ: “Với tôi, đây là sự bắt đầu để ghi chép lại những sự kiện lịch sử; qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ biết noi gương, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông, có như vậy CKVL mới mãi mãi trường tồn”.

Còn với các cô thuộc Đội nữ pháo binh C4 huyện Châu Thành thì đây là niềm tự nào, sự ghi ơn đối với những người đã hy sinh máu xương của mình. Cô Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Đại đội phó chia sẻ: “Hôm nay, về tham dự lễ khởi công khó có thể nói hết niềm xúc động, bồi hồi của mỗi chúng tôi. Đây là niềm tự hào để chúng tôi có thể kể cho con cháu mình nghe về những năm kháng chiến ác liệt của vùng đất này”.

CKVL một thời hào hùng để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; giờ đây đang được thế hệ trẻ viết tiếp bằng những trang sử của sự thay da đổi thịt phát triển từng ngày.

THU THẢO  

Khu di tích tưởng niệm truyền thống CKVL có tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng, với nhiều hạng mục công trình thủy đài, nhà hội trường... Trong đó điểm nhấn là Tượng đài chiến thắng CKVL có chiều cao 11,5m, nặng 800 tấn.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên