Khúc tự hào Bình Dương…

Cập nhật: 31-12-2020 | 08:17:27

Đi giữa những ngày heo may tuyệt đẹp, trong rực rỡ của những ngày cuối đông, chuẩn bị vào xuân, ngoảnh nhìn diện mạo khang trang và hiện đại của Bình Dương hôm nay và nghĩ tới mai sau, chợt thấy rộn ràng trong lòng bao cảm xúc…

Thành phố mới Bình Dương, biểu tượng phát triển của tỉnh nhà. Ảnh: QUỐC CHIẾN

1. Cơ duyên nghề nghiệp cho tôi được đi nhiều nơi trên mảnh đất này và được nghe bao câu chuyện “ngày xưa” của thế hệ đi trước. Những câu chuyện ngược thời gian đã đưa tôi về những ngày đầu khi Bình Dương vẫn còn là một tỉnh thuần nông. Để rồi có thể hình dung được sự thay da đổi thịt khi nhìn lại Bình Dương hôm nay với sự vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ẩn chứa trong những câu chuyện xưa là lòng tự hào của quân, dân tỉnh nhà, của các thế hệ lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp về một Bình Dương biết tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu nhằm đạt được những thành tựu toàn diện về kinh tế - xã hội.

Trong một dịp gần đây, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một nhà nghiên cứu nhiều năm dõi theo sự phát triển của Bình Dương, nhìn nhận rằng, từ một đô thị nhỏ bé, đời sống của nhiều người dân khó khăn, Bình Dương hôm nay đã vươn lên thành một đô thị hiện đại, xây dựng được một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa tinh thần cho người dân một cách bền vững. Bình Dương đã phát triển một nền công nghiệp tiên phong, đổi mới, dựa trên nền tảng sáng tạo, có tác động lan tỏa, khơi nguồn cảm hứng cho sự đi lên các địa phương. Và, nhắc đến Bình Dương là nhắc đến thương hiệu khu công nghiệp kiểu mẫu đã lan tỏa khắp nhiều tỉnh, thành cả nước, tiêu biểu là VSIP. Nhắc đến Bình Dương là nhắc đến kỳ tích thành công trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sau 24 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương trở thành một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương không ngừng phát huy vai trò động lực, dẫn dắt kinh tế toàn vùng, thúc đẩy phát triển, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, đồng thời hướng tới định vị cao hơn trong chuỗi giá trị quốc tế.

Đặt vấn đề với phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên rằng, trong hành trình dõi theo sự phát triển của Bình Dương, ông đánh giá cao điều gì nhất, yếu tố nào là tiên quyết để Bình Dương đi đến sự thành công hôm nay. Không để chúng tôi phải đợi, ngay lập tức ông Thiên cho rằng đó là tầm nhìn và khát vọng của Bình Dương qua bao thế hệ. Và, những thành công liên tiếp bắt nhịp từ mạch nguồn ấy. Sau thành công với việc xây dựng và thành lập nhiều mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, Bình Dương đã không ngủ quên trên chiến thắng, nhìn ra những thách thức mới. Bởi vậy, Bình Dương chọn mô hình phát triển thành phố thông minh (TPTM) trong giai đoạn tiếp theo thật sự không quá bất ngờ. Trong thâm tâm ông vẫn tin, rồi sẽ có một ngày Bình Dương sẽ tiếp tục chọn một hướng đột phá để bước tiếp trên chặng đường phía trước.

2. Nhắc lại câu chuyện TPTM, người viết lại nhớ chuyện của vài năm trước, khi Bình Dương công bố mục tiêu xây dựng không ít người tỏ thái độ hoài nghi. Nhưng với sự kiên trì, cách làm bài bản với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, chiến lược xây dựng TPTM của Bình Dương giờ đây đã nhận được sự đồng cảm, vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tỉnh nhà. Kết quả này là dấu ấn đậm nét cho thương hiệu của Bình Dương với bạn bè, các nhà đầu tư quốc tế. Từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng, thúc đầy phát triển thương mại, thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả của vùng đất năng động này.

Để rồi giờ đây, mỗi người dân, doanh nhân hay bạn bè quốc tế đến Bình Dương dẫu không thể nói tường tận khái niệm TPTM đều hiểu, cảm nhận được việc xây dựng TPTM Bình Dương gắn với việc tìm kiếm những giải pháp đột phá để tăng năng suất lao động, cải thiện dịch vụ, tiện ích, qua đó để phát triển kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Trong hành trình đó, Bình Dương đã xác định những bước đi, kế hoạch khá rõ ràng, cụ thể. Ở đó có việc quy hoạch một khu công nghiệp khoa học công nghệ để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Ở đó có những hoạch định chiến lược về giao thông thông minh, những trung tâm logistics thông minh để tạo một cuộc “cách mạng” giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa, kết nối các nhà máy, cảng biển, sân bay, tuyến đường sắt chuyên dùng… của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính quyền đang nỗ lực để tạo nên một môi trường đổi mới và sáng tạo để các bạn trẻ, nhà khoa học, doanh nhân và bất cứ ai có tâm huyết đều có thể tham gia đóng góp vào quá trình phát triển. Và hơn hết, điều mà chúng ta càng tự hào khi chính những người dân bản xứ và người lao động ngoài tỉnh cũng được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển khi Bình Dương chuyển mình hội nhập.

3. Ngoảnh lại hơn 10 năm phát triển, đến nay thành phố mới Bình Dương đã trở thành biểu tượng với mô hình xanh, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy hoạch đồng bộ. Các dự án thành phần đã đầu tư xây dựng như Trung tâm Hành chính tập trung, Trung tâm Hội nghị - Triển lãm, Trung tâm Thể thao đạt chuẩn quốc tế, cùng hàng loạt hạng mục, công trình khác đang tạo dấu ấn tích cực trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hơn thế, nơi đây đã tích lũy được một nền tảng vững chắc trên nhiều mặt, từ đó đúc kết ra được những mô hình phát triển liên ngành, được đúc kết trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Bình Dương Innovation Region.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà lên tiếp trong những hội nghị liên kết Vùng kinh tế Đông Nam bộ gần đây, Bình Dương liên tục được nhắc đến là một địa phương điển hình trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng. Những tuyến đường huyết mạch kết nối vùng như vành đai 3, vành đai 4 được quy hoạch, tỉnh đã chủ động làm trước đoạn đi qua địa bàn. Ði trước đón đầu, Bình Dương còn mở đường Mỹ Phước - Tân Vạn, kết nối vùng và đi ngang qua 29 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh, giúp hàng hóa của địa phương cũng như các nơi vận chuyển nhanh chóng và thuận lợi. Thành quả này là minh chứng cho sự chủ động, kết nối với tinh thần “vì sự phát triển chung” mang tên Bình Dương.

Với tất cả những thành quả đó, Bình Dương hoàn toàn có thể tự hào. Và việc được Diễn đàn Cộng đồng thông minh toàn cầu (ICF) 2 năm liền (2018-2019) vinh danh là một trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu là hoàn toàn xứng đáng. Hẳn rằng, Bình Dương sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp và hiện thực hóa khát vọng vươn lên trên hành trình đi tới….

Hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện sau khi tái lập tỉnh năm 1997, trong điều kiện còn khó khăn, Bình Dương đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương xin đầu tư mở rộng nâng cấp Quốc lộ 13 theo hình thức BOT. Chỉ trong thời gian ngắn, Quốc lộ 13, với chiều dài 62km, rộng 6 làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp 1, nối từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước được thông suốt. Việc mở rộng Quốc lộ 13, kết nối với đường 14 và nối với Lộc Ninh sang nước bạn Campuchia, tạo lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên phát triển. Bình Dương tiếp tục phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận. Liên tiếp những nhịp cầu với Đồng Nai, Tây Ninh đã được Bình Dương triển khai thực hiện…

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên