Kiểm tra, xử phạt quy định về tải trọng xe: Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Cập nhật: 06-05-2015 | 11:15:44

Thời gian qua, tình trạng các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy chở hàng quá tải trọng cho phép đã gây mất an toàn giao thông (ATGT), gây bức xúc cho người dân. Trước tình hình đó, cùng với các địa phương khác, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng này.

Nhằm thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 và thực hiện chủ đề Năm ATGT 2015 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” của Ủy ban ATGT Quốc gia, đầu tháng 4-2015, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông & Vận tải (GT&VT) tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về xếp hàng hóa, chở quá tải trọng cho phép trong và ngoài khu vực hầm, mỏ, bến, cảng lên xuống hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện đợt cao điểm này nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép theo quy định, gây mất ATGT, bảo đảm không còn xe quá tải tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh nói riêng trong năm 2015; bảo đảm sự công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải, chống tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng xe... Thông qua hoạt động kiểm tra để phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm về xếp hàng hóa trên xe ô tô, chở quá tải trọng cho phép trong và ngoài khu vực hầm, mỏ, bến, cảng lên xuống hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ ngày 10-4 đến 30-5-2015, kể cả trong và ngoài giờ hành chính.

Phát hiện 27 xe chở hàng quá tải

Lực lượng thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra xe vào sáng 5-5

Sáng 5-5, nhận được tin báo của người dân, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Bình Dương phối hợp với cảnh sát giao thông và các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra đoàn xe tải 27 chiếc, mang logo Hồng Loan có dấu hiệu chở quá tải trọng đang đỗ đậu thành một hàng dài trên tuyến quốc lộ 13, trên đầu dốc cầu Đồng Sổ thuộc huyện Bàu Bàng.

Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra giao thông tỉnh, cho biết: “Tại hiện trường, các xe đậu thành hàng dài, lúc đầu tài xế đóng cửa bỏ đi khỏi xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra của ngành chức năng. Chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và phối hợp với các ngành chức năng có liên quan nhằm có hướng xử lý thích hợp. Sau đó, ông Hồ Duy Bảo, đại diện doanh nghiệp vận tải Hồng Loan cũng đã đến trình diện, yêu cầu các tài xế cho kiểm tra các chứng từ có liên quan. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các xe trên chở hàng quá tải trọng cho phép từ 100% trở lên”.

CÔNG KHANH

 
Theo ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GT&VT tỉnh, khi tiến hành thanh tra trong hầm, mỏ, bến, cảng, Thanh tra viên và cán bộ hỗ trợ sẽ xuất trình quyết định phân công thanh tra, thẻ nghiệp vụ để vào cảng, bến, tiến hành các hoạt động thanh tra theo quyết định. Thanh tra viên được phép dừng phương tiện đã xếp hàng, đang di chuyển ra cổng cảng, bến, hầm, mỏ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và yêu cầu lái xe phối hợp để kiểm tra, đồng thời sử dụng các biện pháp xác định hành vi vi phạm theo Khoản 4, Điều 16 Thông tư số 02/2014/ TT-BGTVT, như: Tiến hành cân, đo, đếm, kiểm tra chứng từ xác định tải trọng trục xe, tổng trọng lượng xe, kích thước hàng hóa, khổ giới hạn của phương tiện; kiểm tra việc ký xác nhận xếp hàng hóa vào giấy vận tải...

Khi đã xác định được hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép, không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào giấy vận tải, Thanh tra viên sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân và tổ chức. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra viên sẽ xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cảng, bến, hầm, mỏ, đối với hành vi xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép, báo cáo Sở GT&VT, Chánh Thanh tra sở kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trên cơ sở nội dung cam kết đã ký.

Đối với việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ngoài hầm, mỏ, bến thủy, bến lên xuống hàng hóa được thực hiện trên cơ sở Tổ công tác tiếp nhận, thu thập thông tin, phát hiện xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT... Khi phát hiện hành vi vi phạm về xếp hàng hóa, chở quá tải trọng cho phép, Thanh tra viên sẽ xác định rõ tổ chức, cá nhân xếp hàng hóa, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe, chủ xe và tổ chức, cá nhân xếp hàng hóa... Trường hợp có vi phạm của doanh nghiệp hầm, mỏ, bến, cảng, Thanh tra viên phải xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp hầm, mỏ, bến, cảng đối với hành vi xếp hàng quá tải trọng cho phép báo cáo lên trên kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trên cơ sở nội dung cam kết đã ký...

Nhằm mục đích tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng, kích thước thành, thùng xe ô tô tải tự đổ đối với các tổ chức, cá nhân, Thanh tra GT&VT tỉnh đã có văn bản đề nghị và được sự chấp thuận của Thanh tra Cục Quản lý đường bộ IV về việc cử lực lượng tiếp tục phối hợp nhằm xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép và nạn cò mồi theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GT&VT Đinh La Thăng. Nguyên nhân là do hiện nay tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành khác với Bình Dương như Tây Ninh, Bình Phước... vẫn còn tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép, có lực lượng canh đường, cảnh giới rất lớn, ngoài ra còn có sự xuất hiện một số xe được coi là logo hay ký hiệu và có dư luận cho rằng các xe đó có sự bảo kê. 

 PHI LONG - NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên