Kiên cường đảo chìm

Cập nhật: 17-01-2015 | 09:34:39

Đúng như lời giới thiệu của đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 bảo vệ huyện đảo Trường Sa giới thiệu: “Chưa đến đảo chìm thì chưa biết hết được Trường Sa”. Nhưng cũng chính cái khó khăn, thiếu thốn của đảo chìm càng điểm tô cho vẻ đẹp kiêu hùng của người lính hải quân ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi.

Đảo chìm là một trong những cột mốc chủ quyền quan trọng của Tổ quốc trên biển. Trong ảnh: Tàu của ngư dân Việt Nam tránh trú bão tại đảo Đá Thị

Đảo chìm thực ra chỉ là những bãi san hô trơ đá lấp xấp nước vào lúc thủy triều xuống và mênh mông trời biển lúc thủy triều lên. Có đến đảo chìm mới thấy hết sự khắc nghiệt của đảo; đảo không đất tự nhiên, chỉ có độc một ngôi nhà kiên cố được lực lượng công binh của bộ đội ta kè đá, xây dựng để vừa làm nơi sinh hoạt, vừa làm nơi chiến đấu, phòng vệ. Sống và làm việc ở đảo chìm vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Vượt lên sóng gió ngàn khơi

Quả nhiên, có đến đảo chìm mới hiểu hết sự kiên cường, anh dũng của những người lính hải quân ở đảo. Con đường họ chọn là phụng sự, là cống hiến cho Tổ quốc. Tôi chợt nghĩ, ở đảo chìm không hẳn những ngôi nhà 3 -4 tầng với bê tông, cốt thép sừng sững kia trở thành “cột mốc thép” trên biển mà chính họ, những người lính hải quân với bản lĩnh và ý chí sắt đá mới là cột mốc sống, là lời khẳng định đanh thép cho chủ quyền biển đảo quê hương xứ sở.

 

Chúng tôi đến đảo chìm Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa vào một buổi trưa nắng vàng rực rỡ. Bãi san hô vòng quanh đảo ngút xa tầm mắt chỉ toàn nước và nước. Mặt nước trong vắt, xanh màu ngọc bích khiến cho những người lần đầu đến với đảo chìm không thể kìm được cảm xúc lạ lẫm đến tột cùng. Từ con tàu anh hùng 996, chúng tôi phóng tầm mắt xa tít để thấy một khối bê tông cốt thép màu vàng có Quốc kỳ tung bay trên nóc. Đấy là đảo chìm Đá Nam.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, toàn bộ đảo chìm do Việt Nam quản lý tại quần đảo Trường Sa đã được xây dựng khá quy mô, kiên cố. Đảo vừa là nơi có hải đăng, đài khí tượng, trạm thông tin liên lạc… vừa là “cột mốc thép” gìn giữ chủ quyền đất nước, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, do không gian chật hẹp, chỉ có tòa nhà cao chừng 3 - 4 tầng trên diện tích trên dưới 100m2 nên việc sinh hoạt, ăn uống ở đảo chìm rất khó khăn.

Ở Trường Sa, mỗi năm chỉ có mùa khô và mùa mưa. Chính vì thế, việc sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là tắm giặt và ăn uống đều phải có định lượng rất chặt chẽ. Vì phải mất 2 - 3 tháng mới có một chuyến tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm nên từng hạt gạo, giọt nước ngọt… đều phải dè sẻn. Trong khi đó, tăng gia rau xanh ở đảo chìm về mùa khô khó khăn nhất vẫn là nguồn nước ngọt để tưới rau. Mùa khô nắng hạn kéo dài, những ngày biển lặng, nắng to, bộ đội trên đảo ăn ở, học tập, công tác trong các tầng nhà bê tông nên khá oi bức, nhu cầu sử dụng nước ngọt hàng ngày nhiều, song nguồn nước ngọt lại chủ yếu trông vào nước mưa chứa trong các hầm dự trữ, cho nên nước ngọt ở đảo được coi là hàng quý hiếm.

Như một quy luật của tự nhiên, hoàn cảnh càng khó khăn, thử thách lại càng nổi bật lên ý chí kiên cường, vững chãi của người lính hải quân ở đảo chìm. Về mùa khô, để bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, các đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ trên đảo thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với việc tiết kiệm nước sinh hoạt, tích cực chăn nuôi gia cầm, tăng gia sản xuất rau xanh. Thành công trong việc trồng rau xanh trên các điểm đảo ở Trường Sa, đặc biệt là ở những đảo chìm thật sự là một kỳ công, kỳ tích của các chiến sĩ trên đảo.

Vững vàng người lính hải quân

Tôi đứng lặng im trước bia chủ quyền của đảo Đá Thị, nghe như lòng mình đang vỡ òa biết bao cảm xúc. Trào dâng trong lòng là cảm giác quá đỗi tự hào về sự kiên cường của người lính hải quân ở đảo chìm. Đảo chìm quanh năm chỉ có nắng, gió và tình đồng đội bao dung cùng ý chí sắt đá. Giữa bốn bề biển khơi gào thét, người lính hải quân vẫn kiên gan bám trụ cùng đảo chìm, giữ vững những “cột mốc thép” trên biển cả, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Giữa muôn trùng biển khơi, người lính hải quân ở đảo chìm luôn tìm mọi cách vượt qua khó khăn, thử thách để xứng đáng với sự tin yêu của đồng chí, đồng đội. Trong ảnh: Các chiến sĩ trên đảo tăng gia sản xuất

Những cái bắt tay chắc nịch, những gương mặt cương nghị, rám nắng và một tinh thần quả cảm là cảm nhận đầu tiên về các anh trong chúng tôi khi đặt chân lên đảo Đá Thị. Trung úy Đào Hồng Đông, Phó Chỉ huy trưởng đảo chìm Đá Thị chia sẻ, hiện nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ của các đảo đá chìm từng bước được cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các điểm đảo được trang bị ti vi, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Ngoài ra, trên các đảo cũng đều có tủ sách, báo... qua đó góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam.

Tôi đứng trên chóp đảo đá chìm Đá Thị nhìn về hướng Tây, nhớ quá mặt trời ấm áp nơi đất liền và bất giác lặng người khi nghĩ đến sự hy sinh của những người lính ở đảo chìm. Tôi hỏi trung úy Đào Hồng Đông về những ngày gian khổ trên đảo và thật cảm phục khi anh dõng dạc khẳng định: “Đã là người lính thì không được phép kêu khó khăn gian khổ. Có chăng, gian khổ cũng chỉ góp phần tôi luyện chúng tôi thành những chiến sĩ kiên cường, quả cảm hơn mà thôi. Nếu không vững vàng, bản lĩnh thì người lính hải quân đã bị nắng Trường Sa thiêu rụi!”.

LÝ KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên