Kiên định với đường lối, hệ tư tưởng mà Đảng ta đã chọn - Bài 3

Cập nhật: 20-01-2016 | 08:11:22

Bài 3: Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường đã chọn

 Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tường Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua, đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác, hoàn thành giải phóng dân tộc, đưa cả nước quá độ từng bước lên chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, không bảo thủ, giáo điều, chủ quan, duy ý chí.

 86 mùa xuân Đảng lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN

 Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội. Không có đất cho chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn “con đường thứ 3” nào đó, hoặc chủ nghĩa xã hội dân chủ mà ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có được tô vẽ, ngụy trang như thế nào đi nữa, thì rốt cuộc thực chất không thể có gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại thân phận nô lệ, hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc, thực dân bành trướng từ bên ngoài.

Trong khi khẳng định điểm mạnh cơ bản của chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam, bên cạnh nhiều thuận lợi lớn, chúng ta vẫn không quên rằng, trên con đường đi tới đích còn vô vàn khó khăn và thách thức phải đối mặt, thậm chí còn những nguy cơ tiềm ẩn không thể xem thường. Bốn nguy cơ mà Đại hội Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) nêu ra vẫn còn tồn tại. Có nguy cơ được giảm thiểu, có nguy cơ vẫn giữ nguyên, có nguy cơ tăng thêm và xem ra bốn nguy cơ còn gắn chặt với nhau. Với Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, cực kỳ quan trọng trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng qua nhiều lần tổng kết cho thấy việc thực hiện chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được tích cực triển khai để kiên quyết thực hiện cho kỳ được.

Đi đôi với chống các nguy cơ, hoạt động cơ bản của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và lâu dài phải hướng chủ yếu vào xây dựng, sáng tạo. Về độc lập dân tộc còn vấn đề gì không? Còn, từ hai mặt chiến lược gắn kết với nhau là, vừa bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, vừa xây dựng phát triển đất nước. Phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc và phải nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Nghĩa là theo Bác, phải xây dựng cho được chủ nghĩa xã hội mới có độc lập dân tộc thực sự và bền vững.

Độc lập dân tộc ngày nay phải căn bản dựa trên kinh tế. Kinh tế không mạnh thì quốc phòng tất nhiên cũng yếu. Nước ta vốn xuất phát từ nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển. Tình trạng này nếu không vượt qua được thì rồi độc lập dân tộc cũng lâm vào nguy cơ. Ngay bây giờ, dù đã qua bao công sức xây dựng và đổi mới, nhưng kinh tế nước ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, “làm thuê” cho nước ngoài. Việt Nam chưa có nền công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp nặng sản xuất tư liệu sản xuất với công nghệ cao, trong khi thế giới đang đi vào kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện đó, nếu không bứt phá lên thật nhanh thì kinh tế nước ta còn phụ thuộc vào bên ngoài, không thể nào có độc lập tự chủ chẳng những về kinh tế mà cả những mặt khác, ngay cả mặt chính trị. Có người nói, trong toàn cầu hóa đa mô hình thì định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một. Không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản. Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. Ý kiến này thật quá mơ hồ.

Toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo là một quá trình đầy rẫy những mâu thuẫn nhưng không nước nào có thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa. Nước ta đã và đang chủ động tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu với ý thức tranh thủ những mặt có lợi, tránh những tác động tiêu cực có hại. Tuyệt đối hóa một cách phiến diện mặt nào đều không đúng. Về mặt tích cực, nước ta thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ cho được lợi thế của nước đi sau, kế thừa cho được những thành quả văn minh loài người được tạo ra dưới chế độ tư bản. V.I Lênin sẵn sàng đổi một tá người cộng sản không biết làm việc lấy một chuyên gia tư sản giỏi và người chỉ cho nước Nga: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, etc, etc + Σ (tổng số, tổng kết lại) bằng chủ nghĩa xã hội”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, tư tưởng đó của V.I Lênin có điều kiện thực thi rộng rãi chưa từng có, nhất là với các nước lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có nước ta.

So với các nước phát triển, ở các nước kém phát triển, cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu có thể tương đối dễ, nhưng để đưa đến đích cuối cùng, trọn vẹn chủ nghĩa xã hội, thì khó khăn hơn rất nhiều. Nước ta trải qua những cách làm sai trước thời kỳ đổi mới (1986), đã thu được những bài học thấm thía cho thấy, không được ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan.

Trọng tâm trong chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam hiện nay là quá độ từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với những nước lạc hậu về kinh tế, V.I Lênin nhấn mạnh, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là rất lâu dài, rằng trong thời kỳ quá độ phải có hàng loạt bước quá độ. Rõ ràng, với nền kinh tế nhiều thành phần, nước ta phải trải qua rất nhiều bước đẩy mạnh lực lượng sản xuất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải trải qua nhiều bước cụ thể, thích hợp, vững chắc xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất mới, từ đó mới có được phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đích thực. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phải đẩy rất mạnh, thậm chí đi trước một bước trong phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định thực hiện thành công chủ thuyết chính trị cách mạng và phát triển vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo, thông minh tính kiên định về nguyên tắc chiến lược và mục tiêu không thay đổi, với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước đầy biến động nhanh và khôn lường - đó là bí quyết thành công trong sự nghiệp vĩ đại thực hiện chủ thuyết chính trị của Đảng và dân tộc ta trong thời đại ngày nay.

(Theo GS, NGND Nguyễn Đức Bình - Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên