Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

Cập nhật: 03-11-2014 | 08:09:53

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: “…Nhà nước tăng cường các mối quan hệ quốc tế; tập trung nguồn lực và có thái độ cứng rắn, kiên quyết đấu tranh, kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; thường xuyên duy trì các lực lượng thực thi pháp luật trên biển Đông, nhằm khẳng định chủ quyền, bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân bám biển”.

Bộ Ngoại giao trả lời như sau:

Trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cử một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, máy bay vào hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta, có những hành động khiêu khích, phun nước với áp suất lớn, cho tàu đâm, va vào các tàu đánh bắt cá của ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư của Việt Nam; thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Chúng ta đã có những biện pháp đấu tranh quyết liệt, đồng bộ, liên tục và thường xuyên trên tất cả phương diện từ thực địa, ngoại giao, pháp lý, thông tin tuyên truyền, dư luận trong và ngoài nước với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành liên quan để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Về đấu tranh trên thực địa, các cơ quan chức năng đã tổ chức trực chỉ huy chặt chẽ, tăng cường và huy động nhiều tàu kiểm ngư, cảnh sát biển thực thi pháp luật, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền với tinh thần quyết tâm cao nhưng luôn bình tĩnh và kiềm chế. Về đấu tranh chính trị, ngoại giao, chúng ta đã tiến hành hơn 30 cuộc giao thiệp phản đối ngoại giao với Trung Quốc ở các cấp, đã trao 3 Công hàm phản đối Trung Quốc, đồng thời cho lưu chiểu các Công hàm này tại Liên hợp quốc. Chúng ta cũng đã tranh thủ tối đa các kênh tiếp xúc khác nhau như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị CICA tại Trung Quốc ngày 21-5; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 6-5 và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 15-5; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đi Bắc Kinh trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ta còn có 3 cuộc trao đổi, điện đàm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương với những người đồng cấp phía Trung Quốc... (còn tiếp)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên