Kiến thức giới tính cho người khuyết tật: “Lỗ hổng” cần lấp đầy!

Cập nhật: 13-10-2014 | 09:22:51

Để hòa nhập vào cộng đồng, người khuyết tật (NKT) đã và đang nhận được sự quan tâm của xã hội trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và tạo việc làm. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe sinh sản của NKT trong thời gian qua gần như bị “lãng quên”.

Thông qua các hội thi, trò chơi cán bộ Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh đã lồng ghép giáo dục giới tính. Ảnh: T.LÝ

Khát vọng chính đáng

Lâu nay, các bậc cha mẹ, cán bộ các trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề NKT chỉ cố gắng giúp NKT hòa nhập với cuộc sống, học chữ và một số kỹ năng sống cần thiết cho bản thân. Thế nhưng, việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS) cho NKT, nhất là các em ở lứa tuổi dậy thì lại chưa được thường xuyên quan tâm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của các em. Em Lê Thị L., học viên (HV) tại Trung tâm Giáo dục trẻ khiếm thính Thuận An (TX.Thuận An) vẫn phát triển như các bạn đồng lứa, song vì bị khuyết tật nên khả năng nhận thức về việc phát triển giới tính còn hạn chế. Mới đây, khi thấy có các dấu hiệu của tuổi dậy thì, L., rất lo lắng.

Giống như L., rất nhiều NKT đến tuổi dậy thì nhưng hiểu biết tối thiểu về giới tính, SKSS còn hạn chế. Thực tế này, khiến nhiều trẻ khuyết tật bị rối loạn về tâm lý và hành vi. Chính vì thiếu hiểu biết nên nhiều trẻ khuyết tật đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục, gây nên những hậu quả đau lòng cho bản thân NKT và gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chị Đặng Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh cho biết, mặc dù NKT gặp nhiều khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống, nhưng các em cũng có quá trình phát triển tâm, sinh lý bình thường. Tuy nhiên, các em không có nhiều cơ hội, điều kiện để tìm hiểu những kiến thức này. NKT thường thấy mặc cảm, tự ti vì bị khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động hay khuyết tật trí tuệ nên khi gặp những rắc rối về giới tính, người đầu tiên các em tìm đến thường là những bạn cùng giới, cùng cảnh ngộ. Điều này tiềm tàng một mối lo, bởi những kiến thức các em học được từ bạn bè chưa hẳn đã phù hợp để giúp các em giải tỏa được những lo lắng về tâm lý. Sơ Kim Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ khiếm thính Thuận An cũng cho biết. NKT chưa hiểu nhiều về tác hại của việc quan hệ tình dục, dễ mang trong mình căn bệnh xã hội, hoặc sinh ra đời những đứa con khuyết tật giống mình.

Giúp NKT tiếp cận kiến thức giới tính

Trang bị kiến thức giới tính cho người bình thường vốn dĩ là việc không dễ làm, với NKT điều này còn khó khăn hơn gấp bội. Không phải cứ tổ chức các buổi tập huấn ngoại khóa, hay trang bị các tài liệu có liên quan là giúp các em có thể hiểu ra vấn đề. Chưa kể việc giáo dục giới tính cho trẻ khuyết tật mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào các môn học như đạo đức hay sinh học chứ chưa có một môn học riêng biệt. Hơn nữa, các thầy cô giáo cũng chưa được đào tạo bài bản để có cách dạy phù hợp cho các em, bởi các em khuyết tật rất khó khăn trong việc tiếp nhận, ghi nhớ. Sơ Kim Sang nói thêm, với trẻ khiếm thính, các em không nghe mọi người nói chuyện tình cảm với nhau như thế nào. Để giúp các em hiểu rõ về giới tính, Ban giám hiệu cùng các giáo viên của trung tâm đã soạn chương trình dạy riêng. Các cô còn tìm kiếm hình ảnh, tư liệu, phim giới thiệu cho các em.

Với người khiếm thị, họ không nhìn thấy được cách thể hiện tình cảm của mọi người như thế nào nên cũng khó giáo dục giới tính. Trước thách thức đó, Hội Người mù tỉnh đã thành lập câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc với 41 thành viên; CLB không sinh con thứ ba có 44 thành viên. Các CLB một năm sinh hoạt 2 lần. Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, trong các buổi sinh hoạt của CLB thường xuyên giáo dục về sức khỏe sinh sản, cách giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không sinh con thứ ba. Tính đến nay, người mù trong tỉnh không có trường hợp sinh con thứ ba. Ngoài ra, Tỉnh hội, Huyện hội đã lồng ghép tuyên truyền giáo dục giới tính cho học viên qua các đợt tặng quà, họp mặt.

Có thể nói, giáo dục giới tính cho NKT là cả một vấn đề tinh tế, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Điều này không chỉ trông chờ vào các tài liệu, kiến thức sách vở mà cần sự chia sẻ, gần gũi của gia đình và toàn xã hội cùng chung tay, góp sức trang bị thêm những kiến thức giới tính cần thiết cho NKT. Qua đó sẽ giúp các em tránh được những rủi ro không đáng có thể xảy ra.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên