Kiên trung lòng mẹ

Cập nhật: 19-01-2015 | 10:32:47

Đã lâu chúng tôi mới có dịp về thăm mẹ Trần Thị Khang và mẹ Phan Thị Ngọn (Dầu Tiếng), đây là 2 trong số 34 mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Câu chuyện xúc động của các mẹ làm cho chúng tôi thêm tự hào vì mình là một người con của đất Việt.

Gạt nước mắt để nuôi dạy con cháu

Về thăm Dầu Tiếng hôm nay mới cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của mảnh đất này. Những con đường trải nhựa rộng thênh thang, nhiều nhà lầu khang trang ngói đỏ mọc san sát ven đường. Trước sự thay đổi cảnh quan này, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà mẹ Trần Thị Khang ở làng 18, xã Định An, huyện Dầu Tiếng.

Theo lời kể của mẹ Khang, SN 1935, tại Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, năm 18 tuổi, chiến tranh chống Mỹ ác liệt mẹ về đất Bình Dương - quê hương thứ 2 của mẹ. Tại đây, mẹ bén duyên cùng ông Trần Văn Mạnh. Ở với nhau có 2 mặt con là anh Trần Văn Thận (SN 1952) và chị Trần Thị Xuân (SN 1957). Lúc bấy giờ, cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta đã bước vào giai đoạn ác liệt. Năm 1960, chồng mẹ là ông Trần Văn Mạnh lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước. Đến năm 1965, con trai Trần Văn Thận, lúc đó chỉ mới 13 tuổi cũng thoát ly theo cách mạng.

Trước cảnh bom rơi đạn lạc, mẹ luôn lo lắng cho tính mạng của chồng con nơi chiến trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều người vợ, người mẹ Việt Nam lúc bấy giờ, mẹ ngày đêm tảo tần lao động, làm hậu phương vững chắc để chồng con yên tâm làm nhiệm vụ. Năm 1968, mẹ Khang nhận được tin chồng hy sinh. Nỗi đau mất chồng chưa vơi thì nỗi đau mất con lại đến. Năm 1969, anh Trần Văn Thận - con trai duy nhất của mẹ đã hy sinh trong một trận càn của địch tại Tua Cây Sến. Có nỗi đau đớn nào bằng khi người mẹ nhìn xác con mình nằm đó mà không được mang về chôn cất tử tế. Kể cho chúng tôi nghe đến đây, cả mẹ Khang và chị Trần Thị Xuân - con gái của mẹ đều nghẹn ngào, không kìm nổi nước mắt.

Biến nỗi đau thành hành động, mẹ và chị Xuân tiếp tục làm tiếp tế cho bộ đội, mong hòa bình sớm trở lại, để những người mẹ khác không phải hứng chịu nỗi đau mất chồng, mất con như mẹ.

Khi anh Thận hy sinh chưa đầy 2 tháng, bọn chiêu hồi chỉ điểm và giặc đến xét nhà, rồi bắt mẹ về đồn với lý do trong nhà dư 1 lon gạo. Trước những trận đòn roi tra tấn dã man của địch, mẹ quyết không hé răng nửa lời, giữ trọn lòng kiên trung với Tổ quốc.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chồng và con của mẹ Khang đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Mẹ xem đó là phần thưởng cao quý và luôn dạy cho con cháu phải biết trân trọng những hy sinh lớn lao của lớp lớp cha anh đi trước. Họ đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ đất quê hương để hôm nay đất nước được tự do, độc lập.

Khi nghe chúng tôi và chị Xuân thông báo mẹ chính thức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trong mắt mẹ ánh lên niềm tự hào. Song, trong lòng mẹ vẫn còn thoáng một nỗi buồn. Hài cốt chồng mẹ đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng song vẫn còn vô danh. Giờ đây, mong mỏi lớn nhất của mẹ là tìm lại được đúng phần mộ của chồng.

Một lòng kiên trung với Tổ quốc

Về xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng vào một buổi chiều nắng gắt, tiếp chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền cho biết, xã Thanh Tuyền có tổng cộng 50 mẹ Việt Nam anh hùng. Song vì tuổi già sức yếu, các mẹ lần lượt qua đời và hiện chỉ còn 2 mẹ. Khi nghe tin xã Thanh Tuyền sẽ có thêm mẹ Phan Thị Ngọn (SN 1907) vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ông Hưng phấn khởi và chia sẻ: “Mẹ Ngọn hiện đã 108 tuổi. Đây quả thật là vinh dự cho gia đình mẹ và của xã Thanh Tuyền. Chúng tôi cũng tự hào và vui lây vì đã kịp thời làm tròn nhiệm vụ mà chính quyền giao cho”.

Theo chân anh Lâm Thanh Long, cán bội nội vụ của xã, chúng tôi đến thăm gia đình mẹ Phan Thị Ngọn tại xóm Bưng, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Tiếp chuyện chúng tôi là con gái thứ 4 của mẹ Ngọn, bà Nguyễn Thị Lèo, nay đã 81 tuổi. Bà Lèo cho biết: “Mẹ Ngọn có tổng cộng 15 người con. Con trai cả của mẹ là anh Nguyễn Văn A thoát ly theo cách mạng khi chỉ mới 16, 17 tuổi và hy sinh. Sau đó, người em thứ 9, anh Nguyễn Văn Se cũng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Se chỉ về thăm nhà được một hai lần rồi cũng hy sinh”.

Ký ức về anh A và anh Se từ bà Lèo chỉ còn có vậy. Nhìn thấy bằng Huân chương Kháng chiến hạng nhì trao tặng cho mẹ Ngọn được treo ngay ngắn trên tường nhà, tôi hỏi bà Lèo về quá trình tham gia cách mạng của mẹ Ngọn. Bà Lèo kể: “Ngày ấy ông bà ngoại của tôi có xe bò. Vì thế, ba mẹ tôi thường đánh xe đi tiếp tế cho cách mạng. Nhờ khéo léo, chuyến hàng tiếp tế nào cũng thành công vì đánh xe bò là nghề của ba mẹ tôi”.

Gia đình mẹ Ngọn được Đảng và Nhà nước công nhận gia đình có công với cách mạng. Mẹ cũng xem việc gia đình có 2 liệt sĩ là vinh dự, là niềm tự hào. Mẹ nói đó là truyền thống yêu nước của dân tộc và mẹ luôn răn dạy con cháu ngày nay phải biết trân trọng, giữ gìn.

Để tìm hiểu thêm thông tin về hai liệt sĩ con mẹ Ngọn, chúng tôi theo chân cán bộ xã Thanh Tuyền tìm đến nhà ông Lê Văn Ninh (tức Ba Kình - sinh năm 1929) - từng làm nhiệm vụ dân vận trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về mẹ Ngọn và 2 người con của mẹ, ông Ninh cho biết, hồi đó ông đến gặp bà Ngọn vận động cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn Se tham gia lực lượng của địa phương. Với sự nhanh nhẹn và gan dạ, anh Nguyễn Văn A đã được điều về làm giao liên cho Quân bưu miền Đông Nam bộ. Ông Ba Kình nói về anh Nguyễn Văn A đầy tự hào: “Mỗi lần gặp tui, anh Tư Thưng, Phó Ban Quân Bưu miền Đông Nam bộ đều khen, mày vận động tốt lắm, thằng A gan dạ, dũng cảm, thư từ mật, quan trọng đều do nó đảm nhiệm”. Chỉ tiếc bây giờ ông Ninh không còn nhớ anh A đã hy sinh vào năm nào và tại đâu.

Riêng phần của Nguyễn Văn Se, anh đã bị kích bắn bị thương tại Bàu Bàng, sau đó anh được đưa về R và hy sinh trong một trận bom ác liệt của địch.

Kết thúc câu chuyện, khi nghe chúng tôi cho biết mẹ Ngọn vừa được công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, ông Ninh nói: “Bà Ngọn nay đã 108 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe, mắt sáng. Hay tin này chắc bà ấy vui lắm”.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, những nhân chứng như ông Lê Văn Ninh giờ chẳng còn được mấy người. Và ghi chép của chúng tôi chắc sẽ là những tài liệu quý để giáo dục thế hệ trẻ sau này biết tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng, đất nước của những người mẹ, người vợ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát to lớn vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

SONG ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên