Kinh tế - xã hội của Bình Dương: Phát triển ổn định

Cập nhật: 22-06-2016 | 08:53:22

Hôm qua (21-6), UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ 102 để thông qua dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: HỒ VĂN

 Kinh tế tăng trưởng khá

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016 tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 8,35%, dịch vụ tăng 7,51%, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,91%. Về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 8,37%; quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng các ngành khai khoáng; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có chỉ số tăng cao hơn cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả; những vướng mắc, khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ hàng hóa được tháo gỡ thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng với các ngành và địa phương. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh cũng đã đạt được những thành công bước đầu.

Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng qua của tỉnh đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong thời gian qua, hoạt động thương mại trên địa bàn tương đối ổn định, thị trường hàng hóa khá phong phú và đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân; cùng với đó dịch vụ vận tải, du lịch, nhà hàng - khách sạn tiếp tục được đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới; hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển với tác động tích cực từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam ký kết. Riêng về xuất khẩu, trong 6 tháng qua, cả tỉnh thực hiện ước đạt hơn 10,6 tỷ USD, tăng 16,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù tình hình có nhiều khó khăn do hạn hán, thị trường tiêu thụ nông sản giảm nhưng hoạt động sản xuất vẫn phát triển ổn định; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, chăn nuôi tiếp tục phát triển khá; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều chuyển biến tích cực...

Trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2015; đầu tư xây dựng cơ bản đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 10-6, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 18.000 tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp trong nước và gần 1,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Nỗ lực về đích

6 tháng qua, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ và góp phần cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư; trong đó đáng kể nhất là đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kết quả tốt. Đối với công tác điều hành ngân sách, đã đạt được dự toán và khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm, đáp ứng được yêu cầu chi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, về lĩnh vực xây dựng cơ bản, khối lượng thực hiện và giá trị cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn đạt thấp so với kế hoạch, nhất là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn phân cấp theo tỷ lệ điều tiết cho cấp huyện. Bên cạnh đó, một số dự án xây dựng cơ bản lớn tiến độ giải ngân khá chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh do quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục còn nhiều phức tạp...

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2016, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2016; cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển… Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan cần xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong dịp cuối năm, lễ, tết; thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt thị trường hiện có; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiềm năng. Các cấp, ngành cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để giải ngân tốt nguồn vốn, cùng với đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị mới Bình Dương gắn với chỉnh trang, cải tạo đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Phát biểu kết luận phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm, cũng như hoàn thành các tiêu chí về phát triển đô thị. Các sở, ngành có liên quan cần tập trung hoàn thành dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn, khởi động mở rộng đường ĐT743, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh rạch... Ông cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 để trình Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm sắp tới.

 Trong 6 tháng qua, các hoạt động văn hóa - xã hội của tỉnh cũng được chú trọng và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, ngành y tế đã tổ chức khám bệnh cho khoảng 2,3 triệu lượt người, đạt 63,2% kế hoạch năm; điều trị nội trú cho gần 110.000 lượt người, đạt 75,7% kế hoạch năm. Về chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp tiếp tục được nâng lên; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao và thông tin tuyên truyền tiếp tục được triển khai đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân.

Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã chi gần 508 tỷ đồng chăm lo cho người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời tổ chức trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho 226 mẹ. Bên cạnh đó, các ngành liên quan và địa phương đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 38.570 lượt lao động, giải quyết việc làm cho 30.550 lao động. Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đã tiếp nhận và giải quyết 46.311 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; cấp 27.638 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng…

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên