Bình Dương khai thác lợi thế từ các nền kinh tế APEC - Bài 2

Cập nhật: 01-11-2017 | 08:21:40

Bài 2: Cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến

 

 Với những lợi thế sẵn có của mình, Bình Dương đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đến từ các thành viên APEC. Qua đó, hàng tỷ USD vốn cùng máy móc, công nghệ hiện đại của nhà đầu tư thuộc các thành viên APEC đã đến Bình Dương làm ăn, giúp cho địa phương trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của cả nước.

 Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Esquel Vietnam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Công nghệ hiện đại

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều doanh nghiệp khác đến từ các thành viên APEC, các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Bình Dương chủ yếu để đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày... Đến năm 2008, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tỉnh có sự đột phá khi Công ty TNHH Kumho Tires Việt Nam (vốn đầu tư của Tập đoàn Kumho Tires nổi tiếng thế giới về sản xuất lốp xe) đưa nhà máy có vốn đầu tư 200 triệu USD vào hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát). Tiếp bước Kumho, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị lớn đã đầu tư vào tỉnh như: Công ty TNHH Yongho Vina, Công ty TNHH Staz Việt Nam, Công ty TNHH Daeha Cable Việt Nam… với nhiều lĩnh vực như ống thép, thiết bị điện tử, thiết bị ô tô, sản phẩm phụ trợ cho các ngành khác...

Đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, với 569 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 2,5 tỷ USD. Trong số này, nổi bật có sự hợp tác giữa Tập đoàn Kolon Industries và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC). Theo đó, Tập đoàn Kolon Industrie đã thuê đất tại Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng mở rộng với diện tích gần 42 ha để triển khai dự án sản xuất sợi bố vỏ xe ô tô, túi khí ô tô và các sản phẩm khác tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho cả 3 giai đoạn của toàn dự án khoảng 1 tỷ USD. Dự kiến, nhà máy này sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất vào giữa năm 2018. Đây là cơ sở sản xuất thứ 3 của Kolon Industries, sau 2 nhà máy đang hoạt động ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nhiều nhà đầu tư thuộc APEC cho rằng Bình Dương có hạ tầng công nghiệp tốt, quỹ đất sạch chuẩn bị sẵn, nguồn lao động dồi dào, mạng lưới giao thông kết nối với các tỉnh, thành hoàn chỉnh và thuận lợi, thủ tục hành chính nhanh gọn… Đây là điều kiện hết sức quan trọng để doanh nghiệp chọn lựa đầu tư. Cũng nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đến từ các thành viên APEC đã tăng vốn đầu tư và gắn bó lâu dài tại Bình Dương.

Tăng vốn đầu tư lớn và nhanh, lại có hàm lượng khoa học- công nghệ hiện đại vào tỉnh trong thời gian qua phải kể đến Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (thuộc Tập đoàn KyungBang của Hàn Quốc). Tháng 5-2013, doanh nghiệp đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sợi giai đoạn một 40 triệu USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Chỉ sau 1 năm hoạt động, công ty đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 54,2 triệu USD để mở rộng sản xuất sợi cotton chất lượng cao nhằm phục vụ cho ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu. Ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam cho biết, Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có môi trường đầu tư rất thuận lợi và hiệu quả. Do đó, đầu tư vào đây là quyết định đúng đắn và kịp thời của KyungBang.

Cộng đồng phát triển

Không chỉ có các doanh nghiệp Hàn Quốc liên tục đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh, qua đó chuyển giao công nghệ cho lực lượng sản xuất trong nước, các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… cũng làm tốt công tác này. Mới đây, Công ty TNHH Active International (Đài Loan) đã ký kết hợp tác với Becamex IDC triển khai Dự án khu chuyên ngành xe đạp với diện tích 80 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Tổng vốn đầu tư dự án gần 250 triệu USD.

Ông Tsai Wen Jui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Active International cho biết, môi trường đầu tư tại Bình Dương được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá rất cao, do đó Active International quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Bàu Bàng để triển khai dự án. Khi Dự án khu chuyên ngành xe đạp đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có khoảng 45 - 60 doanh nghiệp và gần 10.000 lao động tham gia sản xuất phụ tùng xe đạp và các linh kiện nhựa.

Sự cộng đồng phát triển, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ hiện đại cho lực lượng quản lý, sản xuất tại địa phương trong thời gian qua phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Nếu chỉ tính riêng tại Bình Dương, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã đầu tư 249 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 5,2 tỷ USD, đứng thứ 2 và chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các dự án của nhà đầu tư đến từ quốc gia này đều sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị thặng dư thương mại lớn.

Ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, Bình Dương hiện là một trong những địa phương của Việt Nam thu hút khá lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư. Với việc nhiều công ty, tập đoàn Nhật Bản tiếp tục lựa chọn Bình Dương để đầu tư là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Có thể nói, định hướng đúng đắn trong chiến lược mời gọi, thu hút đầu tư của các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã tạo tiền đề, sức bật mạnh mẽ để Bình Dương tự tin thu hút nguồn lực công nghệ cao từ các thành viên APEC nói riêng và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung. Qua đó, Bình Dương không chỉ có một nguồn lực tốt để phát triển kinh tế - xã hội mà còn dần trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại dành cho nhà đầu tư các nước trên thế giới khi chọn Việt Nam là nơi để làm ăn. (còn tiếp)

Tăng cường mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, lĩnh vực tỉnh Bình Dương có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm; số lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này tăng theo hàng năm. Điểm đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp của những nước phát triển là thành viên APEC như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ngày càng gia tăng vào Bình Dương.

Để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bình Dương ưu tiên các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn lớn kinh tế lớn trên thế giới; cùng với đó tiếp tục phát triển những thị trường truyền thống, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút các dự án vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch. Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia...

MINH NGUYỄN

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên