Đột phá công nghiệp chế tạo để phát triển bền vững

Cập nhật: 24-05-2016 | 09:14:32

Trong những năm qua, Bình Dương đã có bước phát triển đột phá về công nghiệp, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy vậy, để tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới, ngành công nghiệp chế tạo của tỉnh cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 

Công nghiệp chế tạo Bình Dương cần một sự đột phá trong thời gian tới. Trong ảnh: Sản xuất động cơ xe máy KYMCO tại Khu công nghiệp Sóng Thần III (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: TRỊNH BÌNH

Nỗ lực lớn

Bình Dương thực hiện công nghiệp hóa từ xuất phát điểm rất thấp, đi lên từ tỉnh nông nghiệp nên ngành công nghiệp chế tạo của tỉnh bước đầu phát triển cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu điểm lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, có thể thấy Bình Dương phát triển mạnh ở mảng công nghiệp chế biến, trong khi ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo phát triển còn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit (TX.Bến Cát) chia sẻ, trong quá trình phát triển doanh nghiệp, để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Vinamit đã đầu tư ước tính hơn 5 triệu USD vào dây chuyền máy móc. Nghịch lý là các dây chuyền này đều phải nhập từ nước ngoài với giá cao, bởi trong nước không có máy móc, thiết bị thay thế. Trăn trở của ông Nguyễn Lâm Viên cũng là ý kiến chung của nhiều nhà sản xuất trong nước về việc tìm kiếm thiết bị, máy móc phục vụ nhu cầu sản xuất. Bởi lẽ, ngành công nghiệp chế tạo tại tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn khá yếu. Theo ước tính, trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, ngành công nghiệp chế tạo chỉ chiếm khoảng 10%.

Giải quyết những khó khăn này, trong thời gian qua, xác định phát triển công nghiệp chế tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, tỉnh Bình Dương đã tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo. Nhờ đó, những năm gần đây, công nghiệp chế tạo của tỉnh đã tạo được kết quả tốt với hàng loạt dự án quan trọng. Có thể kể đến một vài dự án triển khai đạt hiệu quả như: Công ty TNHH Core Electronics tại Khu công nghiệp Đại Đăng (TP.Thủ Dầu Một) sản xuất cuộn dây đồng, lõi từ, bảng mạch phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử; Công ty TNHH Keiden Việt Nam thuộc Tập đoàn Keiden của Nhật Bản đã đưa nhà máy sản xuất vào hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát) có vốn đầu tư khoảng 3,7 triệu USD, với lĩnh vực hoạt động chính là gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ bề mặt kim loại với công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn về môi trường...

Đáng chú ý, cách đây 1 năm, nhà máy Kymco Bình Dương với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 20 triệu USD đã đi vào hoạt động. Nhà máy này là một trong những dự án tiêu biểu trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo của tỉnh nhà. Đây là dự án có công nghệ sản xuất, kiểm định chất lượng theo quy trình khắt khe của Kymco toàn cầu. Ông Wang Ting - Yi, Tổng Giám đốc Kymco Việt Nam cho biết, toàn bộ nhà máy được trang bị máy móc thiết bị sản xuất hiện đại nhất trong tất cả công đoạn: gia công linh kiện động cơ, chế tạo khung sườn, sơn tĩnh điện, sơn nhựa, lắp ráp động cơ và xe…

Có thể khẳng định, trong thời gian qua, nhờ sự định hướng đúng đắn của tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp địa phương, công nghiệp cơ khí chế tạo đã đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, ngành công nghiệp chế tạo cần sự đột phá.

Cần hệ thống chính sách đồng bộ

Ở góc độ thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 875,5 triệu USD; trong đó có 87 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và 46 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.674 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 24,5 tỷ USD. Trong số này, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo và bất động sản rất lớn.

Với mục tiêu ngành cơ khí luyện kim đến năm 2020 đáp ứng 45 - 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng đến 60%, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: máy động lực, cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, cơ khí đóng tàu, thiết bị điện - điện tử và cơ khí ô tô. Đồng thời, nước ta cần tận dụng lợi thế so sánh so với các nước trong ASEAN để ưu tiên những tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo có quy mô lớn tại Việt Nam theo các ngành nghề đã định hướng.

Nếu nhìn rộng ra toàn quốc thì thời gian gần đây, công nghiệp chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong quý I năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với 216 dự án đầu tư đăng ký mới; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm đến 72,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý. Trong năm 2015, công nghiệp chế tạo cũng là lĩnh vực thu hút đến 1.012 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,4 tỷ USD, chiếm 68% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm.

Có thể thấy, những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tập trung nhiều vào ngành công nghiệp chế tạo. Dẫu vậy, để Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung có ngành công nghiệp chế tạo phát triển mạnh vẫn cần nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cũng rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể về phát triển cơ khí nói riêng và công nghiệp chế tạo nói chung. Chính sách Nhà nước đưa ra phải gắn với nhu cầu của thị trường quốc tế và các doanh nghiệp Việt Nam như ngành đóng tàu, kết cấu thép… nhằm bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ cho nhóm sản phẩm này và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư. Đồng thời, các địa phương thu hút đầu tư một cách có chọn lựa, hướng tới các tập đoàn sản xuất có trình độ cao và kiên quyết từ chối những dự án đầu tư có công nghệ, giá trị gia tăng thấp, nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường...

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, trong những năm qua, ngành công nghiệp chế tạo của tỉnh phát triển khá nhanh, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dẫn đến thường bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Đó là điều trăn trở lớn đối với những người làm trong ngành nghề chế tạo máy móc, thiết bị trong nước. Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, những chính sách hỗ trợ công nghiệp chế tạo cần hiệu quả hơn nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

 

 KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên