Tạo điều kiện để khởi nghiệp hiệu quả

Cập nhật: 12-10-2017 | 08:19:20

 Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ra đời. Tuy nhiên, số DN tồn tại sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Để khởi nghiệp, DN, cá nhân cần phải hội đủ một loạt yếu tố như công nghệ, kế hoạch, nguồn vốn, kiến thức về quản trị DN, quy định pháp luật về DN...

 Cần chính sách thông thoáng

Tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng và DN đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh năm 2017 vừa qua, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương đã kiến nghị chính sách dành cho DN khởi nghiệp cần tạo sự thông thoáng, theo kịp sự chuyển biến cộng đồng khởi nghiệp, cụ thể cần đơn giản các thủ tục hành chính và phát triển các quỹ tín dụng.

Theo nhiều DN, việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý về đăng ký, về lao động, thanh kiểm tra đối với các DN khởi nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng pháp lý và chi phí, giúp họ tập trung vào kinh doanh. DN trẻ thường vướng mắc về thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với DN nước ngoài, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận vốn… Đây là những rào cản lớn đối với các DN mới bắt tay vào khởi nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Ảnh: TIÊU MY

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện sở đang phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Cường nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng chính sách, các ngành chức năng sẽ lấy ý kiến từ cộng đồng DN; mong muốn cộng đồng DN trẻ tham gia góp ý để ngành chức năng sớm hoàn thiện chính sách này.

Lợi thế của Bình Dương

Theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp hiện nay còn thiếu tính đồng bộ và hệ thống. Cùng với đó, việc huy động vốn của các DN khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện. Vì thế, tỷ lệ thành công ở các DN khởi nghiệp rất thấp.

Đối với tỉnh Bình Dương, việc xây dựng mô hình thành phố thông minh và việc phát triển các mô hình vườn ươm đặc thù như vườn ươm tại các trường đại học, hay mô hình vườn ươm DN được thành lập ngay trong DN nhà nước sẽ là những điểm thuận lợi lớn cho các DN khởi nghiệp. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, một hướng ưu tiên của Bình Dương là DN khởi nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tư vấn với các cơ sở nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từ đó sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của DN.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, các DN khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần được tư vấn về phát triển công nghệ trong sản xuất. Việc ứng dụng các công nghệ và quy trình mới sẽ tạo ra các sản phẩm chất lượng, độc đáo, an toàn hơn và quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm mới đúng nhu cầu cộng đồng sẽ là thế mạnh đối với DN khởi nghiệp...

UBND tỉnh vừa ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Theo đó, tỉnh hướng tới mục tiêu hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối tượng được hỗ trợ của đề án gồm cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí của đề án.

 

TIỂU MY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên